Đề xuất bổ sung dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ đã kiến nghị bổ sung việc dạy thêm, học thêm vào danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, để có cơ sở pháp lý xử lý các vấn đề bên ngoài trường học.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Sáng 20/11, tại phiên thảo luận Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, ĐBQH Nguyễn Văn Huy (tỉnh Thái Bình) nêu nhiều trăn trở xung quanh vấn đề dạy thêm, học thêm.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy cho biết, trong kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, có nhiều ý kiến về quản lý dạy thêm học thêm. Đại biểu phản ánh, thời gian gần đây, tình trạng dạy thêm trái quy định có chiều hướng gia tăng, tạo áp lực lớn cho học sinh, nhất là học sinh tiểu học.

Đại biểu nêu, tại Điều 4 thông tư 17 của Bộ Giáo dục và đào tạo đã quy định các trường hợp cụ thể không được dạy thêm song tình trạng này vẫn biến tướng, “bào mòn niềm tin” của cử tri và nhân dân, ảnh hưởng tới hình ảnh của nhà giáo chân chính... Những lớp học thêm bên ngoài do giáo viên nhà trường lách luật mở lớp, gợi ý cho phụ huynh và rộng cửa đón học sinh chính khóa.

“Bài học trên lớp thì lửng lơ, nửa chừng, sẽ được tiếp nối ở lớp học thêm. Bài kiểm tra đúng dạng, đúng đề chỉ được hé lộ ở lớp học thêm. Điểm số chênh lệch giữa học sinh đi học và không học thêm khiến phụ huynh bức xúc”, Đại biểu Nguyễn Văn Huy nhấn mạnh.

Cũng theo đại biểu tỉnh Thái Bình, nhiều gia đình quay cuồng chạy theo lịch học thêm. Chi phí cho học thêm là khoản tiền lớn nhất trong nhiều gia đình. Song, đại biểu cũng thẳng thắn nhìn nhận vào thực tế đời sống của đại bộ phận giáo viên hiện nay. Theo đó, dạy thêm là giải pháp để cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống.

“Dạy thêm cũng là việc chính đáng. Bởi nếu bác sĩ có thể mở phòng khám tư sau giờ hành chính và nhiều người ở các ngành nghề khác có thể bôn ba ngoài giờ làm việc để tăng thu nhập, thì nhà giáo dạy thêm là quyền lợi chính đáng”, Đại biểu Nguyễn Văn Huy chia sẻ.

Theo đại biểu, cán cân cung – cầu trong giáo dục là cơ hội cho giáo viên có thể kiếm thêm thu nhập cho cuộc sống cá nhân. Khi học sinh muốn ôn luyện kiến thức chưa vững, muốn rèn luyện thêm năng lực, sẵn sàng cho các kỳ thi tuyển sinh, chuyển cấp, thi học sinh giỏi … các lớp học thêm là địa chỉ tin cậy để người học tìm đến. Việc học thêm nếu xuất phát điểm từ nguyện vọng chính đáng của người học, thì không đáng bị lên án.

Tuy nhiên, nếu chỉ là tự nguyện thì dạy thêm – học thêm không phải vấn đề nhức nhối như vậy. Đại biểu Nguyễn Văn Huy nêu rõ, vấn đề cử tri và Nhân dân mong muốn là quy định và tổ chức thực hiện việc dạy thêm học thêm như thế nào cho lành mạnh và đúng quỹ đạo. Đặc biệt, những lớp học thêm tai tiếng vì "găm bài", vì gợi mở đề kiểm tra, phải bị xử lý một cách nghiêm khắc và quyết liệt.

Để trả lại sự trong sạch cho môi trường dạy thêm, học thêm, đại biểu Nguyễn Văn Huy kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nhanh chóng và khẩn trương sửa đổi các quy định liên quan để quản lý hiệu quả, sâu sát, thiết thực và hài hòa lợi ích của học sinh, phụ huynh và giáo viên. Bên cạnh đó, cần quan tâm siết chặt hơn chất lượng các giờ học chính khóa cũng như thay đổi tư duy thi cử và cởi trói bớt áp lực học hành.

Đại biểu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tham mưu trình để cơ quan có thẩm quyền quyết định đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Phát biểu tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ đã quan tâm đến ngành giáo dục và gửi lời cảm ơn đến cử tri và Nhân dân cả nước đối với sự nghiệp chung của đất nước và đối với riêng ngành giáo dục.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu rõ, Bộ đã trả lời đầy đủ 100% các ý kiến, kiến nghị mà Ban Dân nguyện cũng như các ĐBQH đã chuyển cho Bộ với số lượng rất lớn. Đồng thời Bộ cũng đã nhận được nhiều ý kiến của cử tri gửi cho Bộ trưởng qua email và các phương tiện khác.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, các ý kiến này đã giúp cho Bộ rà soát các chính sách và xem xét lại công việc của mình. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng bày tỏ nguyện vọng và mong muốn liên quan đến ngành giáo dục và đào tạo.

Giải trình về vấn đề dạy thêm và học thêm, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, có 18 kiến nghị liên quan đến dạy thêm và học thêm và đây là vấn đề lớn, Bộ đã trả lời vấn đề này. Trực tiếp tại phiên thảo luận này, đại biểu Nguyễn Văn Huy (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) cũng đã đề cập. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, dạy thêm, học thêm và việc học tập ngoài nhà trường là một nhu cầu thực tế của người học và rất đa dạng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều văn bản quy định, đặc biệt đã ban hành Thông tư 17 quy định kiểm soát dạy thêm, học thêm trong khuôn khổ nhà trường, quy định những vấn đề trong đạo đức của nhà giáo, trong quy tắc ứng xử học đường, văn hóa học đường… Có thể nói, hiện đã có đầy đủ các quy định về vấn đề dạy thêm, học thêm trong môi trường nhà trường. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã thừa nhận, đối với vấn đề ngoài nhà trường, hiện Bộ còn thiếu cơ sở pháp lý để quản lý, điều tiết giám sát, xử lý vấn đề này.

Bộ trưởng nêu rõ, trong quá trình sửa Luật Đầu tư, Bộ đã gửi văn bản 1534 cho Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, gửi Văn bản 2026 tới Thủ tướng Chính phủ năm 2020, đề nghị bổ sung việc dạy thêm, học thêm vào danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, không rõ lý do vì sao trong năm 2020 - 2021, việc này chưa được chấp thuận. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ đồng tình với đại biểu Nguyễn Văn Huy là cần đưa việc dạy thêm, học thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện để có cơ sở pháp lý để xử lý bên ngoài trường học.

Với 53.000 trường học trên cả nước hiện nay, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn mong muốn, đối với các vấn đề bên ngoài trường học, chính quyền địa phương cần phối hợp cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo để kiểm soát vấn đề này trên địa bàn của mình, nếu một mình Bộ thì sẽ rất khó kiểm soát hết các địa bàn trên cả nước.

Bộ trưởng cũng cho biết, bên cạnh nỗ lực của Bộ, thì cũng mong muốn các phụ huynh phối hợp với nhà trường, ngành giáo dục, vì một trong những việc đưa con học thêm nhiều cũng xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh.

“Có những người đem con gửi cho cô, nài nỉ cô vừa dạy vừa trông giúp, cũng có trường hợp cha mẹ thấy con học 1 ca thì chưa yên tâm, ngoài giờ học còn chở con đi học, nghe đâu có thầy tốt là chở đến ngay, một tối học 3 - 4- 5 ca, cũng tác động đến việc căng thẳng của việc học của trẻ em. Tôi mong phụ huynh phối hợp với chúng tôi xử lý vấn đề này”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay.

Bình luận
Tập di cảo thơ "Những ngày tháng Tám" của nhà thơ, nhà giáo, liệt sĩ Trần Quang Long.
Những kỷ vật đi cùng năm tháng
(Ngày Nay) - Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã trải qua nửa thế kỷ nhưng âm vang hào hùng vẫn vang vọng, lắng sâu trong lòng mỗi người con đất Việt, đặc biệt là khi ta lặng mình trước hàng trăm kỷ vật thiêng liêng đang được trân trọng lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Tiêm vắc xin phòng bệnh tại CDC Đồng Nai. (Ảnh minh hoạ)
Bảo đảm thông suốt công tác phòng, chống dịch, tiêm chủng sau sáp nhập các đơn vị y tế
(Ngày Nay) - Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố bảo đảm hoạt động thông suốt, không để gián đoạn làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh, tiêm chủng mở rộng sau khi nhập sáp nhập, hợp nhất các đơn vị y tế ở các cấp... là nội dung quan trọng trong công văn số 2513/BYT-PB gửi UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur về việc tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống dịch trong giai đoạn giao mùa.
Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên 212.000 sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, chủ yếu là vitamin, collagen, glucosamin... do nước ngoài sản xuất.
Thu giữ hơn 200.000 sản phẩm vitamin, collagen không rõ nguồn gốc
(Ngày Nay) - Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Bắc Ninh vừa phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Bắc Ninh đột xuất kiểm tra, phát hiện và thu giữ trên 25 tấn, tương đương với khoảng 200.000 sản phẩm là vitamin, collagen thuộc lĩnh vực thực phẩm bảo vệ sức khoẻ không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp.
Người dân Nhật Bản. Ảnh minh họa
Có đến 68% người Nhật ủng hộ độc lập hơn với Mỹ
(Ngày Nay) - Theo một cuộc khảo sát toàn quốc ở Nhật Bản, khoảng 68% người được hỏi cho rằng Nhật Bản nên theo đuổi lập trường độc lập hơn với Mỹ, ở câu hỏi khác, 77% hoài nghi sự bảo vệ từ Mỹ với nước này.