Louis Comfort Tiffany: "Màu sắc đối với mắt cũng như âm nhạc đối với tai"
Nổi tiếng với những thiết kế lộng lẫy và đầy sáng tạo, cửa sổ kính màu của Louis Comfort Tiffany đã trở thành biểu tượng cho nghệ thuật trang trí nội thất cao cấp và là niềm tự hào của nước Mỹ. Bắt nguồn từ niềm đam mê nghệ thuật và sự sáng tạo không ngừng nghỉ của Louis Comfort Tiffany, những ô kính này không chỉ mang đến vẻ đẹp rực rỡ mà còn là minh chứng cho kỹ thuật điêu luyện và tầm nhìn nghệ thuật độc đáo của Tiffany Studios.
Madonna of the Flowers - Đức Mẹ các Loài hoa, được lắp đặt năm 1899. Ảnh: Lillian Nassau LLC |
Cửa sổ Charles Duncan and William G. Hegardt memorial. Ảnh: Tiffany Glassware |
Là một nghệ sĩ tài hoa, Louis Comfort Tiffany không ngại dấn thân vào những lĩnh vực mới mẻ, không ngừng thử nghiệm và sáng tạo, gặt hái nhiều thành công vang dội trong địa hạt nghệ thuật. Bắt đầu sự nghiệp với hội họa, Tiffany dần bộc lộ niềm đam mê với thiết kế nội thất và đặc biệt là nghệ thuật kính màu. Vào những năm 1880, ông quyết định chuyển hướng hoàn toàn, dấn thân vào lĩnh vực này.
Khoảng năm 1899, Tiffany bắt đầu thử nghiệm các cách làm kính màu và kính thổi sáng tạo hơn. Những cửa sổ kính màu do ông thiết kế không chỉ lộng lẫy về mặt thẩm mỹ, mà còn tràn đầy tinh tế trong kỹ thuật chế tác, trở thành biểu tượng cho phong trào Art Nouveau (Tân Nghệ thuật).
"Cảnh thu" là một trong những tác phẩm đỉnh cao nhất của Louis Comfort Tiffany. Ảnh: Viện bảo tàng Mỹ thuật Mettropolitan |
Cửa sổ Peace, Ann Eliza Brainerd Smith landscape memorial. Ảnh: Tiffany Glassware |
Với thiết kế đa dạng, những ô cửa sổ kính màu phù hợp nhiều công trình, từ nhà thờ, dinh thự đến khách sạn, tư gia. Các thiết kế phong phú, từ trừu tượng đơn giản đến phong cảnh thiên nhiên chi tiết hay những câu chuyện mang tính biểu tượng.
Năm 1910 đánh dấu sự khởi đầu của thời kỳ hoàng kim trong sự nghiệp sáng tạo cửa sổ kính màu của Tiffany Studios. Nhiều tác phẩm tiêu biểu của hãng trong giai đoạn này như cửa sổ dành cho Helen Gould (1910), Captain DeLamar (1912), Sumner Memorial (1912) và The Bathers (1914) đều được đánh giá là những kiệt tác, khẳng định vị trí hàng đầu của Tiffany Studios trong lĩnh vực nghệ thuật kính màu.
Khung cảnh thiên nhiên ngập tràn sắc màu trong ô cửa kính màu "Sarah Faye Sumner Memorial" (Tạm dịch: Nhớ đến Sarah Faye Sumner)
Khung cửa sổ "Sarah Faye Sumner Memorial" ("Sumner Memorial") được thiết kế bởi chính đội ngũ nghệ nhân Tiffany Studios và hoàn thành vào năm 1912. Cửa sổ kính màu này mang đậm phong cách thiết kế của hãng, với việc sử dụng thủy tinh Favrile đặc trưng, nổi bật sự đa dạng và màu sắc rực rỡ.
"Sarah Faye Sumner Memorial" là bức họa mô tả một khe suối đang đổ nước xuống chiếc ao tĩnh lặng, nơi có những bông hoa súng trắng muốt đua nhau khoe sắc, xa xa là núi đồi trùng điệp. Xung quanh ao là những bụi hoa diên vĩ tím biếc nở rộ, kết hợp với sắc vàng, sắc hồng của hoa trên cành, tạo nên khung cảnh thiên nhiên vô cùng lãng mạn và thơ mộng.
Trên những bức tranh kính màu cỡ lớn, Louis Comfort Tiffany sử dụng nhiều loại kính màu có màu sắc phong phú, từ xanh lam rực rỡ đến đỏ ruby sâu thẳm, kết hợp với các đồ án hoa văn phức tạp lấy cảm hứng từ thiên nhiên, tạo nên một tổng thể nhiều màu sắc nhưng cũng rất hài hòa. Kết quả thị giác mang lại cho người nhìn một ấn tượng đầy sức sống và huyền bí, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo và đẹp mắt.
Tiffany Studios phát triển kỹ thuật ghép kính nhiều lớp, trong đó các lớp kính màu được chồng lên nhau và được giữ cố định bằng chì hoặc đồng. Kỹ thuật ghép kính nhiều lớp được sử dụng tinh xảo mang đến hiệu ứng ánh sáng độc đáo khi ánh sáng chiếu qua. Kỹ thuật này tạo ra chiều sâu, độ lấp lánh và khuếch tán ánh sáng tinh tế, tuyệt đẹp.
Cửa sổ Sarah Faye Sumner Memorial được sản xuất năm 1912. Ảnh: Sách Masterworks of Louis Comfort Tiffany của Alastair Duncan, xuất bản năm 1989 |
Tại Việt Nam, công chúng có thể chiêm ngưỡng khung cửa tranh kính phiên bản của "Sarah Faye Sumner Memorial". Tác phẩm được chế tác bởi nghệ nhân Hoa Kỳ, và lắp đặt tại Bảo tàng Kính màu (tên tiếng Anh: Art Glass Museum), đóng trú tại Trại Da Vinci, Ba Vì, Hà Nội, theo đơn đặt hàng của người sáng lập Bảo tàng - ông Nguyễn Xuân Thắng.
Tác phẩm gốc có kích thước cao 3m, rộng 1,2m, còn bức tranh phiên bản ở Bảo tàng Kính màu có kích thước lớn hơn (cao 5m, rộng 3m). Tuy nhiên, ông Thắng cho biết thêm, nhiều loại kính màu đã không còn được sản xuất, độ mô phỏng phức tạp và khó khăn, nên màu sắc bức tranh phiên bản đạt khoảng 80% so với bản gốc. Dù vậy, phiên bản cửa kính này được đánh giá có độ hoàn thiện rất cao, hứa hẹn sẽ đem đến những trải nghiệm thị giác ấn tượng cho người nhìn.
Bức tranh kính màu phiên bản của tác phẩm "Sarah Faye Sumner Memorial" được lắp đặt tại Bảo tàng Kính màu. |
Bảo tàng Kính màu (Art Glass Museum) được hình thành trên cơ sở bộ sưu tập hơn 1.000 hiện vật nghệ thuật thủy tinh và kính màu có giá trị do ông Nguyễn Xuân Thắng, người sáng lập bảo tàng công phu sưu tầm trong gần 40 năm ở nước ngoài, hoặc thông qua đấu giá trên các sàn đấu giá quốc tế, hay đặt các nghệ nhân hàng đầu thế giới chế tác dựa theo các nguyên bản duy nhất của các bảo tàng. Bộ sưu tập độc đáo và có giá trị này đã được ông Nguyễn Xuân Thắng hiến tặng cho cộng đồng thông qua sự điều hành và quản lý của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam (VFUA). Bảo tàng Nghệ thuật Kính màu dự kiến sẽ chính thức ra mắt công chúng vào mùa thu năm 2024. Đây hứa hẹn sẽ là một điểm đến văn hóa hấp dẫn, thu hút du khách và những người yêu thích nghệ thuật kính màu.