Do ảnh hưởng của dịch bệnh tới sản xuất kinh doanh, tỷ lệ người mất việc, thất nghiệp tăng cao. Mặt khác, trong thời gian ngắn vừa qua, nhiều người trở về quê, để lại nỗi lo đứt gẫy nguồn lực lao động cho doanh nghiệp, gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc tuyển dụng lao động khi mở cửa sản xuất kinh doanh trở lại.
Ở chiều ngược lại, các quan sát cho thấy không ít người cũng đang từ quê trở lại các trung tâm kinh tế trước triển vọng khôi phục và phát triển kinh tế khi dịch bệnh được kiểm soát. Kiểm soát dịch bệnh vẫn là điều kiện tiên quyết để phục hồi sản xuất kinh doanh và từ đó, để thị trường lao động được khôi phục, vận hành trơn tru trong trạng thái bình thường mới.
Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành đã ban hành và thực thi hàng loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động. Mặt khác, độ bao phủ vaccine đang được mở rộng rất nhanh. Những điều này đã góp phần làm “giảm sốc” các tác động của dịch bệnh tới thị trường lao động và tạo điều kiện tốt để mở cửa, khôi phục lại các hoạt động kinh tế.
Đặc biệt, ngày 12/10, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, tạo khung khổ chính sách nhất quán cho các địa phương triển khai thực hiện, tránh cát cứ, cục bộ. Điều này có ý nghĩa quan trọng để việc lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, hoạt động sản xuất kinh doanh và thị trường lao động vận hành trơn tru, thông suốt. Đặc biệt, Nghị quyết giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất các giải pháp khôi phục thị trường lao động.
Theo dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 đang được xây dựng, việc hỗ trợ an sinh xã hội và phát triển thị trường lao động cũng là một trong những nội dung quan trọng. Nhiều giải pháp đang được nghiên cứu để hỗ trợ lao động trở lại làm việc tại các đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, chuyển đổi nghề bền vững; phát triển nhà ở cho công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu kinh tế…
Doanh nghiệp cần nhân lực để sản xuất kinh doanh, người lao động cần việc làm, cần sinh kế. Việc khôi phục thị trường lao động là một thách thức lớn và còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết, cần sự chung tay của tất cả các chủ thể trên tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro. Với các giải pháp đồng bộ của Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp chính quyền, sự chung sức, đồng lòng của các doanh nghiệp, bản lĩnh, ý chí vượt khó vươn lên của người lao động Việt Nam, bài toán thiếu hụt lao động chắc chắn sẽ có lời giải. Không chỉ có vậy, đây có thể là thời cơ để đẩy mạnh cơ cấu lại thị trường lao động gắn với cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế, nâng cao chất lượng đội ngũ lao động, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Làm gì và làm thế nào để giữ chân người lao động, để người lao động quay trở lại làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, các nhà máy? Đã đến lúc cùng bàn và đưa ra những chính sách căn cơ để chăm lo cuộc sống vật chất và tinh thần cho người lao động tốt hơn, bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho họ tốt hơn mới có thể thu hút họ quay lại, gắn bó lâu dài với các nhà máy, xí nghiệp.