Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ có cuộc gặp với người đồng cấp Nhật Bản, Úc và Ấn Độ tại Tokyo, trong một chuyến đi bị cắt ngắn vì khủng hoảng COVID-19 ở Washington, khiến cả Tổng thống Donald Trump cùng một số trợ lý và nhân viên nhiễm bệnh.
Lịch thăm Hàn Quốc và Mông Cổ bị cắt bỏ, nhưng ông Pompeo nói rằng cuộc họp của nhóm Bộ tứ mất nhiều thời gian để tập hợp và họ dự kiến sẽ đạt được “một số thông báo ý nghĩa”.
Trong cuộc gặp đầu tiên của ông Pompeo với Ngoại trưởng Úc Marise Payne, hai bên đã “thảo luận những vấn đề quan tâm chung về hoạt động xấu của Trung Quốc ở khu vực”, một quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Mỹ, Úc và Ấn Độ đều đang có nhiều mâu thuẫn với Bắc Kinh, khiến Nhật Bản rơi vào thế khó khi vừa phải sát cánh với đồng minh vừa phải duy trì và cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Ông Pompeo là quan chức cấp cao Mỹ đầu tiên thăm Nhật Bản kể từ khi Thủ tướng Suga Yoshihide lên cầm quyền từ tháng trước.
Các đồng minh châu Á của Mỹ đều hài lòng trước sự cứng rắn của Washington với đối thủ Trung Quốc, nhưng họ có vẻ không hào hứng chào đón những phát biểu quyết liệt của ông Trump và ông Pompeo, cũng như cảnh giác để tránh đi quá xa trong việc chống lại Trung Quốc.
“Trong phát biểu đầu tiên sau khi nhậm chức, Thủ tướng Suga gọi khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do là “nền tảng cho hòa bình và ổn định khu vực”. Tôi hoàn toàn đồng ý”, ông Pompeo nói khi bắt đầu cuộc hội đàm với người đồng cấp Nhật Toshimitsu Motegi.
“Thủ tướng Suga là một sức mạnh cho điều tốt. Mỹ có mọi lý do để tin ông ấy sẽ củng cố quan hệ đồng minh lâu đời khi ông ấy trong vai trò mới. Tôi chỉ muốn nói thêm rằng nền tảng của nền tảng chính là quan hệ Mỹ - Nhật cũng như sự bảo đảm về an ninh và thịnh vượng mà quan hệ này mang lại cho người dân của chúng ta”, ông Pompeo nói.
Ông Pompeo chỉ trích gay gắt Trung Quốc trong hàng loạt vấn đề, từ nhân quyền đến COVID-19. Mỹ đang huy động một phong trào quốc tế để quay lưng với Trung Quốc, bao gồm cả công nghệ Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản chỉ đưa ra thông cáo ngắn gọn về cuộc gặp song phương, nói rằng hai bên đã thảo luận “tình hình trên biển Hoa Đông, biển Đông và Triều Tiên”.
Cựu Thủ tướng Nhật Abe Shinzo ủng hộ mạnh mẽ cơ chế Bộ Tứ để tăng cường hợp tác nhằm đối phó với những mối đe dọa từ Trung Quốc.
Còn Bắc Kinh lên án Bộ tứ là một nỗ lực nhằm phong tỏa sự phát triển của Trung Quốc. Cuộc gặp của ngoại trưởng các nhóm Bộ tứ lần này khó có thể đề ra kế hoạch cụ thể nào, nhưng riêng việc các quan chức gặp nhau đã là một lời cảnh báo đến Trung Quốc về khả năng hình thành một tổ chức chính thức như NATO ở khu vực, các chuyên gia nhận định.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuần trước thúc giục các nước tránh “đóng cửa và bè phái”.
“Chúng tôi hy vọng các nước liên quan có thể có thể hành động vì lợi ích chung của các nước trong khu vực, và làm nhiều hơn nữa những việc có lợi cho hòa bình, ổn định và hợp tác khu vực, chứ không phải ngược lại”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói.
Chương trình làm việc của các ngoại trưởng Bộ tứ lần này dự kiến gồm vấn đề phục hồi kinh tế sau đại dịch, các chuỗi cung ứng, phát tán thông tin sai lệch, đất hiếm, đầu tư hạ tầng ở khu vực và chống khủng bố, các quan chức tham gia quá trình chuẩn bị cho biết.
Hội nghị dự kiến không ra thông cáo chung vì Bộ tứ đây không phải một liên minh chính thức, nhưng 4 ngoại trưởng dự kiến sẽ ra tuyên bố riêng sau đó.
Hội nghị Bộ tứ đầu tiên diễn ra tại New York vào năm ngoái, và hiện có những bước đi nhằm đưa hoạt động này trở thành sự kiện thường niên.
Theo Tiền Phong