Di sản rồng, phượng trong “Những ngày Hà Nội” tại TP.HCM

(Ngày Nay) - Trong khuôn khổ chương trình “Những ngày Hà Nội tại TP .HCM ” hướng đến kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô 10/10, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội và Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức trưng bày chuyên đề “Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, di sản của nhân loại” và trưng bày “Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tinh hoa đạo học Việt Nam” tại Bảo tàng TP.HCM.
Di sản rồng, phượng trong “Những ngày Hà Nội” tại TP.HCM
Di sản rồng, phượng trong “Những ngày Hà Nội” tại TP.HCM

Không gian trưng bày giới thiệu 150 tài liệu, hình ảnh, hiện vật với 3 chủ đề: Chủ đề “Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội, Di sản nhân loại”, giới thiệu dấu mốc quan trọng trở thành di sản thế giới vào năm 2010 của khu di sản và những giá trị nổi bật toàn cầu được UNESCO vinh danh; Chủ đề “Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, di sản nghìn năm”, giới thiệu các di tích và di vật tiêu biểu, trong đó làm nổi bật bộ sưu tập hiện vật rồng, phượng… dấu tích cho lịch sử nghìn năm của Thăng Long - Hà Nội. Và Chủ đề “Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, di sản cho mai sau” là sự kết hợp chặt chẽ giữa mục tiêu gìn giữ những giá trị nghìn năm tuổi và chuyển giao di sản cho các thế hệ tương lai….

Di sản rồng, phượng trong “Những ngày Hà Nội” tại TP.HCM ảnh 1

Dựa vào kết quả nghiên cứu khảo cổ học tại khu vực Chính điện Kính Thiên, bước đầu, Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội phác họa được ngôi Chính điện và phần không gian Chính điện Kính Thiên, thế kỷ XV-XVII - Ảnh: Giản Thanh Sơn

Đặc biệt, không gian trưng bày đem tới những trải nghiệm mới mẻ và hấp dẫn khi kết hợp giữa hình thức truyền thống đan xen hài hòa với các phương pháp công nghệ hiện đại như: trình chiếu 3D mappping, công nghệ thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo AI... Nhân dịp này, Bảo tàng TP.HCM trưng bày phiên bản trống đồng Cổ Loa - đây là món quà ý nghĩa mà TP.Hà Nội tặng TP.HCM.

Bảo vật rồng, phượng

Theo tài liệu của Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội, đầu rồng tại bảo tàng thể hiện tư thế chuyển động, bờm và mào với nhiều khúc uốn lượn, hướng về phía trước; má phình rộng, miệng mở to ngậm ngọc báu; mũi và môi trên biến thành mào lửa, bên trong mào lửa được tạo hình uốn lượn chữ S như chiếc vòi voi; răng nanh dài và uốn cong lên bám vào mào lửa; mắt to tròn và nổi rõ, lông mày dài thành dải bay ngược lên trên; tai to, rộng được tạo thế uốn lượn theo chuyển động của mào và bờm; thân phủ kín vảy.

Di sản rồng, phượng trong “Những ngày Hà Nội” tại TP.HCM ảnh 2
Tượng đầu rồng đất nung trang trí trên mái kiến trúc cung điện thời Lý, thế kỷ XI - XII - Ảnh: Giản Thanh Sơn

Theo nhiều nhà nghiên cứu, đầu rồng được trang trí tại vị trí đầu đao hay góc mái kiến trúc, chính là vị trí của con Kìm theo cách gọi của dân gian. Con Kìm hay còn được gọi Xi Vẫn là linh thú, một trong “chín đứa con” của rồng, có chức năng trị hỏa tai. Hình tượng Xi Vẫn trên nóc công trình kiến trúc thể hiện mong muốn linh vật có thể bảo vệ cung điện hay những công trình tâm linh trước sự đe dọa từ hỏa hoạn.

Cũng theo Trung tâm, rồng thời Lý, Trần miệng thường há to và ngậm ngọc hay hỏa châu. Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra đây là một biểu tượng liên quan đến Phật giáo, cụ thể là Phật tích “Long Nữ Cung Dưỡng Bảo Châu Thành Phật” trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Điều này cũng có thể hiểu được bởi sự ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo trong hệ tư tưởng và xã hội thời Lý.

Ngói lợp diềm bộ mái kiến trúc cung điện thời Trần, gồm 2 bộ phận: thân ngói và lá đề trang trí đôi chim phượng gắn trên lưng ngói. Thân ngói tạo dáng kiểu cánh sen hai lớp. Lá đề cân trang trí chim phượng là một mô típ trang trí rất quen thuộc dưới thời Lý, Trần, vừa phản ánh giá trị biểu trưng của hoàng gia, vừa phản ánh giá trị biểu trưng của Phật giáo, tạo nên sự kết hợp hài hòa giữa biểu tượng và triết lý của Phật giáo với biểu trưng uy quyền của hoàng gia.

Di sản rồng, phượng trong “Những ngày Hà Nội” tại TP.HCM ảnh 3
Bảo vật quốc gia: Lá đề chim phượng Hoàng thành Thăng Long, thời Lý, thế kỷ XI - XII - Ảnh: Giản Thanh Sơn

Lá đề gồm 2 phần thân và bệ. Thân lá đề có hình dáng giống hình lá cây Bồ đề, một loại cây mang tính biểu tượng của Phật giáo, ở hai mặt trang trí đôi chim phượng. Hai mặt thân lá đề không hoàn toàn giống nhau, một mặt gồ cao ở giữa và thấp dần về xung quanh, thấp nhất ở phần đỉnh lá, mặt còn lại tương đối phẳng. Trên bề mặt có 18 lỗ nhỏ, được tạo tác ở các vị trí đối xứng nhau, tạo sự cân đối cả ở khu vực viền lá đề và bao quanh chim phượng.

Đôi chim phượng được thể hiện ở tư thế nhún đẩy dâng ngọc báu, đầu ngẩng cao, hai mỏ chụm lại nâng đỡ ngọc. Về cơ bản, 4 hình phượng tương đồng nhau với mỏ to và mào lớn hướng về phía trước giống như mỏ và mào của chim công; mắt, hàm to và tròn giống chim trĩ, hai bên hàm bờm dài uốn ngược về phía trước cùng nhịp với mào và đuôi; cổ cao giống cổ chim công; cánh dang rộng; thân tròn, đuôi dài giống như đuôi chim công, uốn lượn nhiều khúc chụm và tụ lên đỉnh lá đề.

Di sản rồng, phượng trong “Những ngày Hà Nội” tại TP.HCM ảnh 4

Ngói úp nóc gắn lá đề trang trí rồng, thời Lý, thế kỷ XI -XII - Ảnh: Giản Thanh Sơn

Chim phượng là một trong những loài chim thần thoại đứng đầu trong 360 loài chim. Sự xuất hiện của phượng luôn báo hiệu điềm lành, đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới hòa bình và thịnh trị. Chim phượng được Phật giáo xếp vào một trong những loài chim có khả năng truyền pháp thoại và là phương tiện kết nối giữa chúng sinh với thế giới Tây phương cực lạc. Lá đề trang trí hình đôi chim phượng nâng đỡ ngọc báu chính là một trong những hình tượng thể hiện tư tưởng của Phật giáo trong nghệ thuật trang trí kiến trúc thời Lý.

Gạch xây dựng, có hình khối vuông, sáu mặt được tráng men màu xanh lục. Trang trí chính của gạch là hình tượng rồng cuộn trong một khối tròn, mang đầy đủ kiểu dáng của rồng thời Lê sơ. Rồng trong tư thế bay lượn, uyển chuyển. Bên ngoài khối tròn trang trí rồng là một khối hình vuông chắc chắn làm liên tưởng tới quy tắc vuông - tròn hay hình tượng giao hòa giữa Đất (vuông) - Trời (tròn). Cùng với đó là hình tượng rồng được bao trọn trong hai khối tròn và vuông, làm nổi bật nên tính chất Thiên tử (con của trời) vốn rất phổ biến trong tư tưởng Nho giáo….

Di sản rồng, phượng trong “Những ngày Hà Nội” tại TP.HCM ảnh 5

Ngói ống tạo hình rồng men vàng, thời Lê Sơ, thế kỷ XV - Ảnh: Giản Thanh Sơn

Di sản rồng, phượng trong “Những ngày Hà Nội” tại TP.HCM ảnh 6

Ngói ống tạo hình rồng men xanh lục, thời Lê Sơ, thế kỷ XV - Ảnh: Giản Thanh Sơn

Cảm nhận của du khách

Jullien J. một du khách Pháp 62 tuổi, nói: “Lần đầu tiên được đặt chân đến Sài Gòn và ngay ngày cuối tuần, tôi và những người bạn cùng đi rủ nhau đến thăm bảo tàng. Chúng tôi thấy khá thú vị khi được xem bộ trưng bày về Thăng Long – Hà Nội, theo tôi đây là di sản xứng đáng của thế giới vì những hiện vật trưng bày cho thấy đã có từ hơn một ngàn năm nay mới được khai quật. Tôi nghĩ rằng, Việt Nam của các bạn đã có một mốc son Hà Nội thật vinh quang và kiêu hãnh với thế giới về lịch sử ra đời của quốc gia mình…”

“Tôi là một giáo viên trung học đến đây từ Tokyo. Thăm bảo tàng là một trải nghiệm cũng là một thói quen của tôi khi đi du lịch. Qua người phiên dịch, tôi cảm nhận được về lịch sử ngàn năm Thăng Long – Hà Nội của các bạn. Các bạn tự hào về điều ấy, trong lòng tôi cảm thấy rất thú vị và trân trọng khi may mắn được trực tiếp chạm đến những kỳ tích lịch sử thuộc về di sản của thế giới. Hy vọng câu chuyện đẹp này sẽ được lan tỏa đến những học sinh của tôi…”, Hasuko, nói.

Yunseo, một nghiên cứu sinh về Đông Nam Á của Đại học Seoul – Hàn Quốc, cho biết, chị đã 3 lần du lịch kết hợp với tìm hiểu thực tế tại Hà Nội và TPHCM: “Mỗi lần đến với đất nước Việt Nam, tôi đã có thêm những cảm nhận mới. Cụ thể là có mặt tại bảo tàng này tôi bị cuốn hút gần 4 tiếng đồng hồ, chỉ việc xem, ghi chép kỹ và chụp ảnh về lịch sử Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội. Tôi cho rằng, đây là một tư liệu và hình ảnh khảo cổ rất quý giá và rất thiết thực cho luận án tiến sĩ mà tôi đang tôi đang viết. May mắn và hạnh phúc cho chuyến đi đã đến với tôi…”.

Di sản rồng, phượng trong “Những ngày Hà Nội” tại TP.HCM ảnh 7

Bảo vật quốc gia: Cặp bát sứ men trắng, trang trí rồng, trong lòng in nổi chữ "Quan" (Chữ Nho), thời Lê Sơ, thế kỷ XV - Ảnh: Giản Thanh Sơn

Di sản rồng, phượng trong “Những ngày Hà Nội” tại TP.HCM ảnh 8

Bảo vật quốc gia: Mô hình kiến trúc, thời Lê Sơ, thế kỷ XV - Ảnh: Giản Thanh Sơn

Còn anh Divyansh, một nghệ nhân người Ấn chuyên về đá quý hào hứng cho biết, trong ngành chế tác của anh, khi gặp được những hiện vật ngàn năm đang trưng bày ở bảo tàng là một điều thú vị thuộc về tâm linh. Anh nói: “Những nét hoa văn trên những hiện vật bằng đất nung của ngàn năm Thăng Long - Hà Nội hết sức sắc sảo và tinh tế, rất tuyệt. Vì vậy, tôi tranh thủ dành cả buổi sáng chiêm nghiệm ý tưởng của những bậc tiền nhân Việt đã sáng tác. Lần này đến Việt Nam và TPHCM tôi vinh dự được biết thêm lịch sử ngàn năm Thăng Long – Hà Nội của các bạn”.

TIN LIÊN QUAN
Tăng tốc chuyển đổi các thuê bao 2G cuối cùng trước ngày tắt sóng
Tăng tốc chuyển đổi các thuê bao 2G cuối cùng trước ngày tắt sóng
(Ngày Nay) - Từ đầu năm 2024 đến nay, Viettel đã hỗ trợ chuyển đổi hơn 8 triệu thuê bao lên thiết bị 4G trên cả nước. Hiện tại, trên toàn mạng Viettel còn khoảng 500.000 thuê bao sử dụng máy 2G. Dự kiến, Viettel sẽ hoàn thành xong việc chuyển đổi cho số lượng khách hàng này trước ngày 15/10 – thời điểm tắt sóng 2G.
Việt Nam tin tưởng vào quá trình hợp tác với WIPO
Việt Nam tin tưởng vào quá trình hợp tác với WIPO
(Ngày Nay) -  Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) ngày 26/9 đã tổ chức lễ công bố báo cáo về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index - GII) năm 2024.
Những kẻ lừa đảo chỉ cần 3 giây để sao chép giọng nói bằng AI
Những kẻ lừa đảo chỉ cần 3 giây để sao chép giọng nói bằng AI
(Ngày Nay) -  Ngân hàng trực tuyến Starling Bank của Anh vừa cho biết hàng triệu người có thể bị lừa bởi những kẻ sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để sao chép giọng nói. Ngân hàng này cảnh báo rằng chỉ cần 3 giây âm thanh từ một video đăng trên mạng xã hội, kẻ gian có thể dùng AI để tạo ra bản sao giọng nói của nạn nhân. Sau đó, chúng tiếp cận bạn bè và người thân của họ để thực hiện các cuộc gọi lừa đảo, yêu cầu chuyển tiền bằng giọng nói đã được sao chép.