Theo các chuyên gia, đây rõ ràng là hành vi xả rác bừa bãi mà thủ phạm nhiều khả năng là những người lái xe tải và cũng có thể là do lượng lớn khách du lịch kéo đến vùng này.
Vấn nạn rác đang trở nên ngày càng tồi tệ, nghiêm trọng hơn do thiếu các cơ sở xử lý rác thải trong khu vực.
Hàng tấn chai nhựa, quần áo, thậm chí là cả xác động vật chết cũng bị vứt tràn lan ở hai bên đường cao tốc Thanh Hải – Tây Tạng trong vài năm qua. Quãng đường ấy trải dài từ thành phố Tây Ninh, nằm ở phía tây tỉnh Thanh Hải cho đến thành phố Lhasa thuộc Tây Tạng.
Một trong những điểm nóng về vấn đề rác thải tại Thanh Hải là vùng Wudaoliang. Người dân địa phương đã báo cáo về một "vành đai rác thải" dài 200 m và rộng 20 m.
“Khi đến gần Wudaoliang, chúng ta có thể nhìn thấy rất rõ ‘vành đai rác’. Tất cả mọi người đều có thể nhìn thấy bãi rác đó nếu đi qua đây. Tất cả mọi thứ từ rác thải nhựa, kim loại, hộp giấy, thậm chí cả xác động vật cũng được vứt tại đây. Nó phát ra một mùi vô cùng kinh khủng”, trích bài báo của The Economic.
Tsering Kunbu - một người chăn nuôi gia súc ở huyện Khúc Ma Lai, cho biết hàng trăm người nông dân chăn gia súc đã được chính quyền địa phương kêu gọi tham gia dọn dẹp khu vực. “Nhưng lượng rác tại đây quá lớn. Chúng tôi đã không thể hoàn thành việc dọn dẹp”, Kunbu cho biết.
Khả Khả Tây Lý – nơi khởi nguồn của con sôgn Dương Tử, đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 2017. Khu vực này bao gồm 83.000 km2 phần lớn đất đai xung quanh không có người ở và có độ cao hơn 4.500 m so với mực nước biển. Vì thuộc vùng cao nguyên và có thời tiết khắc nghiệt, nơi đây là môi trường sống phù hợp cho các loài động vật hoang dã.
Vùng này hiện có khoảng 230 loài động vật khác nhau, trong số đó có cả linh dương Tây Tạng.
Trung Quốc cũng đã cho mở Khu bảo tồn Thiên nhiên Quốc gia Tam Giang Nguyên – vườn quốc gia đầu tiên tại nước này tại tỉnh Thanh Hải. Cơ sở này có diện tích 123,100 km2, bao gồm cả diện tích của vùng Khả Khả Tây Lý. Vẻ đẹp thiên nhiên của khu bảo tồn này cùng với cơ sở hạ tầng mới được xây dựng đã thu hút được một lượng lớn khách du lịch đến thăm trong những năm gần đây.
Ngoài trừ nguyên nhântới từ lượng lớn khách du lịch, người dân địa phương cho biết vấn đề rác thải ngày càng trở nên nghiêm trọng tại đây cũng một phần là do thiếu hụt các cơ sở xử lý rác quy mô lớn để đáp ứng được nhu cầu trên thực tế.
Kunbu cho biết phần lớn lượng rác tại đây là do khách du lịch và những người lái xe tải đường dài bỏ lại. “Chỉ có khoảng 200 người sống gần Wudaoliang. Về cơ bản, đây là một vùng đất không có người dân sinh sống”, anh Kunbu cho biết.
Người nông dân này cũng cho biết hầu hết lượng rác thải sinh hoạt từ khu vực Khúc Ma Lai đều được đưa đi xử lý ở Cách Nhĩ Mộc – một thành phố cách đó khoảng 200km. Gần Wudaoliang không có bất hề có bãi chôn lấp xử lý rác nên rác thải đã xả thẳng ra môi trường, chất thành đống bên vệ đường trong những năm gần đây.
Yang Yong, một nhà địa chất và nhà thám hiểm quen thuộc với khu vực, cũng cho biết vấn đề này đã tồn tại trong một thời gian.
“Nó không chỉ xảy ra ở Wudaoliang”, ông Yong nhấn mạnh. “Rác thải chất đống ở nhiều nơi dọc con đường cao tốc Thanh Hải – Tây Tạng. Tình trạng này đã không được cải thiện trong nhiều năm”.
Những nơi chủ yếu xuất hiện tình trạng xả rác bừa bãi là các bãi đỗ xe, trạm xăng dầu và cửa hàng sửa xe, cùng với đó là tình trạng thiếu hụt các cơ sở xử lý chất thải đã góp phần gây ra vấn đề này. “Sẽ rất tốn kém nếu như phải vận chuyển rác phải đến các thành phố lân cận để xử lý”, ông Yong nhận định.