Di sản văn hóa Huế trong dòng chảy văn hóa Việt

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Với bề dày lịch sử hơn 700 năm xây dựng và phát triển, Thừa Thiên - Huế sở hữu hệ thống di sản văn hóa phong phú, đa dạng với gần 1.000 di tích lịch sử văn hóa, hơn 500 lễ hội, hàng vạn hiện vật, cổ vật quý hiếm, đặc biệt nổi tiếng với 7 di sản thế giới được UNESCO vinh danh.
Di sản văn hóa Huế trong dòng chảy văn hóa Việt

Ngoài ra, nếp sống, văn hóa ứng xử, đạo đức và cốt cách con người Huế là nét đặc trưng tạo nên bản sắc riêng của vùng đất cố đô. Đây là nền tảng vững chắc cho sự phát triển của Thừa Thiên - Huế - cố đô di sản, trên lộ trình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Trước thềm Hội thảo khoa học "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới", Nhà nghiên cứu văn hóa Huế Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Thừa Thiên - Huế đã có những chia sẻ xoay quanh vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Huế, con người Huế.

PV: Là vùng đất cố đô, Huế mang trong mình bao trầm tích văn hóa. Thưa nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, những giá trị nổi bật và quá trình bồi đắp tạo nên di sản văn hóa Huế là như thế nào?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa: Văn hóa Huế được kết tinh bởi nhiều lớp phù sa văn hóa đa dạng; trong đó, quan trọng nhất là lớp trầm tích, lớp nền tảng và những lớp mang tính bồi đắp qua các thời kỳ. Thời gian khởi đầu của văn hóa Huế có thể tính từ khi xứ Huế là địa bàn cư trú của cư dân nguyên thủy, tiến tới là cư dân văn hóa Sa Huỳnh. Những dấu tích về thời kỳ này là yếu tố tầng đáy, khởi đầu của văn hóa Huế. Tuy nhiên, văn hóa Chămpa là lớp văn hóa trầm tích đa dạng, một thành tố đặc biệt góp phần cấu thành bản sắc văn hóa Huế.

Năm 1306, khi vua Chămpa dâng châu Ô, châu Lý để cưới công chúa Huyền Trân, người Chăm đã ở lại sống cộng cư với người Việt, dần dần tiến tới hôn nhân Việt - Chăm, tạo nên sự dung hợp văn hóa. Nhiều di tích Chămpa đã được người Huế dung hợp để tạo nên sắc thái tín ngưỡng Huế. Ảnh hưởng của văn hóa Chăm được thể hiện qua ngôn ngữ, tín ngưỡng, ẩm thực, âm nhạc trong sinh hoạt canh tác ruộng đất…Qua thời gian, di sản Chămpa đã hòa quyện trong Huế, một phần không nhỏ tạo thành bản sắc văn hóa Huế.

Lớp thứ hai là văn hóa nền tảng của người Việt, được bồi đắp bởi di dân Thanh Nghệ và các vùng phía Bắc đến châu Hóa, hình thành văn hóa dân gian xứ Huế thời kỳ đầu.

Cơ may đặc biệt, từ vùng đất biên viễn phương Nam, Huế đã trở thành thủ phủ Đàng Trong, kinh đô Tây Sơn và kinh đô triều Nguyễn, từ đó hình thành lớp văn hóa cung đình gắn kết với văn hóa dân gian của vùng đất kinh kỳ. Trải qua gần 400 năm từ thời chúa Nguyễn đến vương triều Nguyễn, một tầng lớp tinh hoa của đất nước đã hội tụ ở Huế. Là kinh đô cuối cùng, Huế còn lưu giữ khá tập trung những giá trị văn hóa nghệ thuật cung đình Việt Nam. Phần lớn di sản văn hóa cung đình với những mẫu mực về kiến trúc, các loại hình diễn xướng, ẩm thực, sinh hoạt hậu cung của triều đình hầu như chỉ còn ở Huế. Đến nay đã có 5 di sản văn hóa cung đình Huế được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Đặc biệt, văn hóa cung đình Huế tồn tại không che lấp hay thủ tiêu các giá trị văn hóa dân gian. Văn hóa dân gian Huế có sự góp mặt của lớp thợ lành nghề từ các nơi về kinh phục vụ; có điều kiện tiếp xúc với lớp quan lại trí thức, đáp ứng nhu cầu cao sang của vua chúa nên hầu như mọi mặt đều phải tự nâng lên, trở thành có chất lượng tốt hơn, sang trọng hơn so với cội nguồn dân gian.

Ngoài ra, văn hóa Huế còn được bồi đắp, tiếp biến từ lớp giao thoa với văn hóa Trung Hoa và châu Âu. Thời chúa Nguyễn, người Hoa đến cư trú ở Huế đông dần, hình thành làng Minh Hương, với thương cảng Thanh Hà, dần dần nối kết với Bao Vinh, hình thành khu thương mại Gia Hội - Chợ Dinh. Giao lưu Việt - Hoa diễn ra trên nhiều mặt cả về thương mại, chính trị, Phật học, hình thành một lớp người Việt gốc Hoa xứ Huế.

Thời chúa Nguyễn, theo chân nhiều tàu buôn, một số giáo sỹ châu Âu đã đến Á Đông truyền đạo. Đặc biệt, sau sự kiện Kinh đô thất thủ, ảnh hưởng của Pháp càng sâu đậm, Huế trở thành một trung tâm tiếp biến văn hóa phương Tây. Các loại hình nghệ thuật mới, kiến trúc lâu đài, nhà ở, đô thị, hệ thống giáo dục, công nghệ điện nước theo mô hình phương Tây… xuất hiện, ảnh hưởng của văn hóa Tây phương đã tiếp biến sâu rộng tại Huế.

Như vậy, nét đặc trưng của văn hóa Huế là văn hóa cung đình gắn kết với văn hóa dân gian của xứ kinh kỳ đồng thời có tích hợp, dung hòa các yếu tố khác biệt để sáng tạo lại, kết tinh thành những giá trị mang bản sắc văn hóa Huế từ đó hình thành hệ thống di sản văn hóa Huế. Quá trình giao lưu, dung hợp, sáng tạo của văn hóa Huế trải qua một chặng đường trên 700 năm và còn phát triển không ngừng.

PV: Thưa ông, những thành nào tố tạo nên nét đặc trưng riêng biệt của di sản văn hóa Huế, con người Huế?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa: Sự phong phú trong văn hóa đã tạo tiền đề cho Huế có hệ thống di sản văn hóa đặc trưng và đa dạng. Trước hết là hệ thống di tích cố đô có giá trị nổi bật toàn cầu. Hệ thống di tích cố đô Huế là một tổng thể kiến trúc cung đình hoàn chỉnh nhất của Việt Nam, bao gồm hệ thống các loại thành như Kinh thành, Hoàng thành, Tử cấm thành đi liền với các cung điện, miếu đàn, lăng tẩm, phủ đệ, ngự viên… Kinh thành Huế là một hình thái kiến trúc tinh tế, công trình kiến trúc gắn với cảnh quan. Trong đó nghệ thuật tạo hình không gian đạt đến tính hòa điệu, có giá trị thẩm mỹ cao.

Văn hóa Huế còn lưu giữ hệ thống các loại hình nghệ thuật diễn xướng cung đình gắn kết với nghệ thuật diễn xướng bác học, tôn giáo và dân gian, bao gồm từ lễ nhạc cung đình, múa hát cung đình, tuồng Kinh, ca Huế, ca kịch Huế, lễ nhạc Phật giáo và nhạc lễ cổ truyền, các loại hình dân ca hò, vè.

Di sản văn hóa còn có nếp sống, phong tục tập quán. Ở đó, văn hóa ẩm thực, trang phục, văn hóa vườn, văn hóa ứng xử đều có tính đặc thù. Điển hình như văn hóa ẩm thực, hiện Huế có trên 1.300 món ăn, bao gồm ẩm thực cung đình, món ăn dân gian và ẩm thực chay.

Ngoài ra, di sản văn hóa Huế còn có kho tàng tri thức khoa học truyền thống phong phú, chứa đựng trong hoạt động của bộ máy triều đình. Tri thức khoa học chứa đựng trong kho tàng thư tịch Hán Nôm có đủ các loại hình, ghi chép rất nhiều mặt đời sống chính trị, luật pháp, kinh tế, ngoại giao văn hóa - xã hội, y dược cổ truyền của Việt Nam…

Văn hóa Huế và con người xứ Huế là một thể thống nhất, trong đó con người là yếu tố then chốt tạo nên bản sắc văn hóa Huế. Trong đời sống gia đình, văn hóa Huế đề cao lễ nghĩa và truyền thống, huyết tộc của gia tộc, nề nếp gia phong. Vì thế, người Huế luôn trọng lễ nghĩa, thích những giá trị truyền thống; tôn trọng gia phong, gìn giữ nền nếp. Người Huế có xu hướng sống nội tâm, coi trọng văn hóa, hiếu học; sống khoan dung, hòa thuận; mẫu mực, nhẹ nhàng, gần gũi với thiên nhiên. Ứng xử của người Huế thường có sự dung hợp giữa các yếu tố tưởng như đối lập nhưng lại tồn tại một cách tự nhiên trong lối sống Huế. Tất cả đã tạo nên cốt cách con người Huế, văn hóa Huế đặc trưng, phát triển trong sự hài hòa với thiên nhiên.

Tính cách con người Huế không chỉ có ưu điểm mà còn nhiều hạn chế, đó là tính bảo thủ, khép kín, chậm đột phá... Trọng giá trị truyền thống nên người Huế ngại tiếp cận cái mới, đòi hỏi phải có thời gian gạn lọc, thử thách mới tiếp nhận. Chính điều đó nhiều khi làm cho Huế chưa bắt kịp sự chuyển động của xã hội. Bởi vậy, cùng với giữ gìn bản sắc văn hóa của người Huế cũng cần loại bỏ những điều không phù hợp, tiếp tục bồi đắp giá trị văn hóa mang tính hiện đại, phù hợp cuộc sống đương đại.

Di sản văn hóa Huế là tài sản quý lịch sử để lại cho Thừa Thiên - Huế và cả nước. Đây không chỉ là món quà tặng bất biến của quá khứ mà còn là tài nguyên cả về văn hóa và kinh tế, xã hội. Việc bảo vệ, giữ gìn, phát huy sẽ tạo thành động lực phát triển Thừa Thiên - Huế và của đất nước trong thời kỳ vừa phát triển kinh tế xã hội vừa triển khai chấn hưng văn hóa dân tộc.

PV: Những thách thức và giải pháp để giữ gìn, nâng tầm, phát huy văn hóa Huế, sức mạnh con người Huế, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị là gì thưa ông?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa: Thời gian qua, Thừa Thiên - Huế luôn quan tâm, chú trọng việc gìn giữ, bảo vệ cũng như phát huy các giá trị, di sản văn hóa và sức mạnh con người Huế. Huế được biết đến là thành phố Festival của Việt Nam, thành phố văn hóa của ASEAN, trung tâm văn hóa du lịch đặc sắc của cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, việc phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Huế bộc lộ khó khăn, hạn chế và thách thức như hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế. Việc đầu tư cho các thiết chế văn hóa còn hạn chế, chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn văn hóa và phát triển kinh tế-xã hội.

Để gìn giữ, nâng tầm cũng như phát huy văn hóa Huế và sức mạnh con người Huế, tỉnh cần xây dựng phương thức để giải quyết mâu thuẫn giữa bảo tồn văn hóa, phát triển kinh tế. Có thể nói rằng, "sự phát triển của văn hóa là thước đo của phát triển kinh tế, xã hội".

Vì vậy, đi đôi với việc gìn giữ, bảo tồn văn hóa Huế cần có chiến lược để phát triển kinh tế với phương châm phát triển bền vững trên cơ sở văn hóa và phát triển nhanh trên cơ sở nền tảng công nghệ số. Tỉnh tiếp tục huy động và đầu tư nguồn lực để trùng tu tôn tạo hệ thống di tích văn hóa lịch sử; bảo vệ các giá trị văn hóa phi vật thể. Bên cạnh đó, với hệ thống di sản văn hóa đồ sộ, Huế cần khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế đó để phát triển ngành dịch vụ du lịch, công nghiệp văn hóa.

Những giá trị văn hóa của Huế đều là giá trị truyền thống. Vì vậy, để Huế thật sự là trung tâm văn hóa đặc sắc cần xây dựng các thiết chế văn hóa hiện đại, tiếp tục bồi đắp thêm những giá trị văn hóa mới nhằm bắt nhịp hơi thở thời đại.

Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dụng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là văn kiện quan trọng để đưa Huế lên tầm phát triển mới về kinh tế và văn hóa. Nghị quyết xác định: Đến năm 2025, Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên - Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á. Như vậy, văn hóa là yếu tố trọng tâm trong chiến lược phát triển của tỉnh. Tỉnh cần có sự đầu tư tương xứng với tiềm năng văn hóa để giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống và đưa giá trị truyền thống đó tiếp cận xã hội đương đại.

Con người Huế là chủ thể và là sứ giả của văn hóa Huế. Trong đó, thế hệ trẻ chính là người sẽ giữ gìn bản sắc, cốt cách, phẩm hạnh của người Huế, vì thế, quan trọng nhất là giáo dục về truyền thống văn hóa để hình thành nhân cách cho lớp trẻ. Thời gian qua, Huế đã có những bước cơ bản trong việc đưa giáo dục di sản, văn hóa và nghệ thuật truyền thống vào trường học. Tuy nhiên, cùng với việc giáo dục mang tính nền tảng cần tạo những sản phẩm văn hóa có sức hấp dẫn, sức sống hấp dẫn giới trẻ để giới trẻ tự tìm đến và yêu thích giá trị truyền thống đó.

PV: Thưa ông, văn hóa Huế có vai trò như thế nào trong dòng chảy văn hóa Việt Nam?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa: Văn hóa Huế là một dạng văn hóa vùng nằm trong tổng thể của nền văn hóa Việt Nam, nhưng lại là một vùng trung tâm, tiêu biểu của văn hóa dân tộc. Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học lại tách văn hóa Thăng Long - Hà Nội, văn hóa Phú Xuân - Huế, văn hóa Sài Gòn - Gia Định ra làm ba trung tâm văn hóa của Việt Nam. Trong đó, văn hóa Thăng Long - Hà Nội đóng vai trò cội nguồn, tiêu biểu. Văn hóa Huế là một trong những đỉnh cao của văn hóa truyền thống, nơi duy nhất còn lưu giữ hệ thống văn hóa cung đình Việt Nam. Văn hóa Huế đã dung hợp được tinh hoa văn hóa từ nhiều nơi của đất nước để kết tinh thành những giá trị văn hóa đặc sắc của Việt Nam. Văn hóa Huế đã cung cấp một hình mẫu xã hội vừa coi trọng giá trị truyền thống vừa phát triển hài hòa với thiên nhiên, thân thiện môi trường. Xác định, văn hóa và con người xứ Huế là nguồn sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đang nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để tỉnh phát triển nhanh, bền vững đúng với thế mạnh và đặc trưng riêng của mình. Qua đó góp phần phát huy vị thế Huế là trung tâm văn hóa truyền thống của Việt Nam, góp sức cùng cả nước xây dựng nền văn hóa Việt Nam thống nhất và đa dạng, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời đại mới./.

Trân trọng cám ơn ông!

TIN LIÊN QUAN
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Đoàn Kết, quận Hai Bà Trưng. Ảnh tư liệu: Hoàng Hiếu/TTXVN
Học sinh Hà Nội mong phương án tuyển sinh lớp 10 sớm được công bố
(Ngày Nay) - Năm học 2024 - 2025 đã đi qua gần hết học kỳ 1, song các nhà trường, học sinh lớp 9 và phụ huynh trên cả nước vẫn chưa biết phương án tuyển sinh lớp 10 năm học tới. Cùng với các địa phương, thành phố Hà Nội chưa thể “chốt” được phương án tuyển sinh lớp 10 vì còn chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố quy chế tuyển sinh.
Dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do Công ty TNHH Xuân Trường Hoành Bồ làm chủ đầu tư.
Hà Nội: Sau đấu giá, quy hoạch nhà ở cao tầng được điều chỉnh về thấp tầng
(Ngày Nay) - Ô đất TT-07 (tên cũ là CT–04, nằm tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trước đây từng được quy hoạch để thực hiện dự án nhà ở chung cư cao tầng. Tuy nhiên, sau khi kết quả trúng đấu giá được phê duyệt, ô đất này bất ngờ được thay đổi quy hoạch thành đất ở thấp tầng, để thực hiện dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long.