Di tích khảo cổ học quốc gia Phôi Phối-Bãi Cọi là cụm di tích bao gồm Bãi Cọi và các địa điểm xung quanh như Bãi Lòi, Bãi Phôi Phối, thuộc xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Khu vực này nằm dưới chân núi Hồng Lĩnh, cạnh dòng sông La, ranh giới tự nhiên giữa Nghệ An và Hà Tĩnh.
Di chỉ Phôi Phối-Bãi Cọi được phát hiện từ năm 1974. Đến năm 1976, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Ban Đông Nam Á và Ty Văn hóa Nghệ Tĩnh phối hợp tổ chức khai quật, thu được 460 hiện vật chất liệu bằng đá và 34.991 mảnh gốm, phân thành 3 nhóm là đồ đựng, đồ trang sức.
Tại nhiều cuộc họp cử tri, người dân đã phản ánh lên các cấp chính quyền, tình trạng nhiều hộ dân sống xung quanh khu di tích tự ý lấn chiếm di tích do không có biển báo hay chỉ dẫn giới thiệu, khiến nhiều người lầm tưởng là bãi đất hoang.
Ông Phan Xuân Thủy, Phó Chủ tịch xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân cho biết, sau khi được công nhận là Di tích cấp quốc gia, Phôi Phối - Bãi Cọi không có bảo vệ, nhiều người dân xã Xuân Lĩnh giáp ranh với di tích lấn chiếm, không có mốc, khu vực địa lý rõ ràng. Xã mong muốn các cấp chính quyền sớm xây hàng rào bảo vệ, ngăn chặn tình trạng lấn chiếm.
Trong quá trình triển khai đề án xây dựng huyện Nghi Xuân đạt huyện chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu điển hình về văn hóa gắn với phát triển du lịch, huyện Nghi Xuân đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị hỗ trợ kinh phí lập quy hoạch, xây dựng bảo vệ di tích Phôi Phối-Bãi Cọi. Việc bảo tồn di tích rất quan trọng và cần thiết, vừa phục vụ công tác quản lý, khai thác và phát huy giá trị di tích, đồng thời đáp ứng được mong mỏi của cử tri và nhân dân trong huyện.
Theo ông Bùi Việt Hùng, Phó Chủ tịch huyện Nghi Xuân, để phát huy giá trị văn hóa của di tích Phôi Phối-Bãi Cọi, huyện lập quy hoạch, trình UBND tỉnh lập dự án đầu tư bảo vệ di tích. Trước mắt tập trung xây dựng bờ rào để bảo vệ, sau đó là xây dựng nhà trưng bày các hiện vật và dựng lại các hố thám sát để người dân biết đến di tích này. Huyện mong muốn có sự quan tâm hỗ trợ kinh phí của tỉnh, của Trung ương.