Lấy ngắn nuôi dài
Cách đây khoảng 400 năm, thợ đúc đồng ở làng gồm làng Hè, làng Giồng, làng Đi trên và làng Dí dưới thuộc tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh đã tìm đến Thăng Long Hà Nội lập nghiệp. Sau đó làng nghề mới lấy tên là Ngũ Xã để ghi dấu làng quê gốc. Họ 'tụ hội' thành phường nghề riêng, gọi là phường đúc đồng Ngũ Xã, nay thuộc quận Ba Đình, Hà Nội. Những sản phẩm đồng của Ngũ Xã nức tiếng gần xa bởi hình thức đẹp, độc, lạ và chất lượng bền tốt.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng, một trong hai người còn giữ lửa cho nghề đúc đồng Ngũ Xã chia sẻ: “Nghề được truyền từ đời này qua đời khác, thời vua Lê Huy Tông thì đúc tiền rồi sau đó mới đúc đến những mặt hàng dân sinh, một số tượng Phật và đồ thờ cúng… Giờ, chúng tôi làm chủ yếu theo đơn đặt hàng”.
Ông Ứng nói về nghề gia truyền của gia đình một cách hào hứng |
Ông Ứng nói thêm, nghề đúc đồng từng bị quên bẵng mấy chục năm từ năm 1955 đến 1986 vì các cụ chuyển sang đúc nhôm phục vụ quốc phòng và dân sinh. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, ông Ứng đã học được bí quyết đúc đồng từ những người đi trước với mong muốn giữ gìn làng nghề truyền thống của dòng họ. Thời điểm này, ông gọi đó là “lấy ngắn nuôi dài”, nghĩa là đúc nhôm kiếm tiền duy trì đúc đồng. Nhờ đó, đúc đồng Ngũ Xã không mất đi những nét đặc trưng vốn có.
Trong "cơn bão" thị trường, nhiều gia đình bỏ nghề, chẳng còn mấy lò đúc đồng trên làng Ngũ Xã. Gia đình ông Nguyễn Văn Ứng là một trong hai gia đình còn giữ được truyền thống đúc đồng đến ngày nay.
Xưởng đúc đồng thủ công của gia đình ông Nguyễn Văn Ứng có hơn 30 nhân công |
Cha truyền con nối
Ở độ tuổi “thập cổ lai hy” nhưng ông Ứng vẫn luôn mang trong mình nỗi niềm đau đáu về việc truyền lửa nghề đúc đồng của dòng họ. Không phụ lòng cha, tiếp nối truyền thống gia đình, hai người con trai Nguyễn Thanh Tuấn và Nguyễn Thành Long kế nghiệp đúc đồng với sự đam mê và lòng yêu nghề.
Anh Long bên chiếc kệ để tràn ngập khuôn mẫu tạo sản phẩm |
“Làm đúc đồng phải tùy theo năng khiếu và sự rèn luyện của mỗi người. Tôi rất hạnh phúc và tự hào khi có hai người con trai đều có niềm đam mê đồ đồng và có năng khiếu đúc đồng từ nhỏ. Bây giờ, tôi có thể tin tưởng giao cho hai con việc quán xuyến mọi việc trong xưởng”.
Hiện nay, gia đình ông Ứng vẫn tiếp tục phát triển nghề đúc đồng làng nghề Ngũ Xã với xưởng đúc đồng thủ công ở địa chỉ 15, phố Hồng Hà do hai người con trai Tuấn, Long làm chủ.
Anh Long chia sẻ: “Mỗi một sản phẩm ra đời có đẹp hay không thì trước hết mẫu phải đẹp. Công đoạn này người thợ phải là nhà điêu khắc, cần nắm vững về hình khối, tỉ lệ của người và đồ vật”
Công đoạn vào khuôn cho sản phẩm, tùy theo nhu cầu của khách hàng mà có những loại khuôn khác nhau vô cùng đa dạng |
Khi sản phẩm thô được đúc ra thì công đoạn hàn những lỗ hổng để lại trong quá trình đúc là một việc làm cần rất nhiều tỉ mỉ |
Sau đó đến bước rót đồng vào khuôn và để nguội. Những người thợ thủ công say mê chạm khắc họa tiết trên bề mặt đồng |
Nhiều phụ nữ cũng tìm đến xưởng đúc đồng Ngũ Xã để học và kiếm sống |
Muốn sản phẩm đẹp, người thợ phải cắt, mài dũa và làm màu cho đồ đồng thêm sáng |
Sản phẩm đúc đồng từ xưởng Ngũ Xã có nhiều rất nhiều loại như lọ hoa, đèn, tượng Phật... |
Mỗi sản phẩm là một kết quả của một quá trình lao động miệt mài và tỉ mỉ |
Anh Nguyễn Thanh Long đang giám sát công việc của thợ. Anh chia sẻ: “Xưởng mở cửa và làm việc từ 7h30 -12h và từ 15-17h30. Tất cả những sản phẩm đều hoàn toàn làm thủ công". |
Đồ đồng Ngũ Xã đến nay vẫn chưa bị quên lãng, thậm chí ngày càng được nhiều người biết đến, cả trong và ngoài nước. Việc kế nghiệp truyền thống đúc đồng của dòng họ như anh Long và anh Tuấn không chỉ tạo công ăn việc làm cho nhiều người mà còn gìn giữ nét tinh hoa văn hóa quý báu của dân tộc.