Độ tín nhiệm của ông Biden giảm do nước Mỹ ngày càng phân cực

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Theo New York Times, trong nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ tín nhiệm của Tổng thống Mỹ Joe Biden sụt giảm nghiêm trọng những ngày gần đây, còn có cả sự phân cực ngày càng rõ rệt của chính trường Mỹ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng hôm 26/8 về hai vụ tấn công bên ngoài sân bay Kabul, Afghanistan khiến hơn 70 người thiệt mạng. Ảnh: AFP.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng hôm 26/8 về hai vụ tấn công bên ngoài sân bay Kabul, Afghanistan khiến hơn 70 người thiệt mạng. Ảnh: AFP.

Thống kê mới nhất của FiveThirtyEight - trang thống kê thuộc sở hữu của hãng thông tấn ABC News cho thấy, tỷ lệ tín nhiệm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang ở mức thấp nhất từ khi ông nhậm chức: 48,4% không ủng hộ và 45,9% ủng hộ.

Có khá nhiều lý do cho sự sụt giảm này. Mỹ vẫn đang vật lộn với đại dịch, khi biến thể Delta làm số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 tăng kỷ lục tại các bang có tỉ lệ tiêm chủng thấp như Florida và Texas. Không chỉ vậy, ông Biden còn bị giới báo chí và các đối thủ chính trị phản đối dữ dội vì quyết định rút toàn bộ quân đội Mỹ khỏi Afghanistan, gây ra một loạt phản ứng dây chuyền sau đó: quân đội Afghanistan sụp đổ, Taliban nắm quyền thống trị Afghanistan, và vụ đánh bom khiến hơn 180 người thiệt mạng tại sân bay Kabul. Và trong báo cáo việc làm mới nhất của Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ, nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng chậm lại so với đầu mùa hè.

Độ tín nhiệm của ông Biden giảm do nước Mỹ ngày càng phân cực ảnh 1
Lính Mỹ chuẩn bị cho người tị nạn Afghanistan lên máy bay tại một căn cứ không quân ở Qatar. (Ảnh: New York Times)

Nhưng còn một lý do khác làm tỷ lệ tín nhiệm của ông Biden trượt dốc, đó là sự phân cực đảng phái ngày càng sâu sắc tại Mỹ. Theo Sam Goldman, Giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học George Washington, tiêu chuẩn "sàn" để đánh giá mức độ phân cực đảng phái chính là tỷ lệ tín nhiệm của tổng thống. Giáo sư Goldman cho biết, nền chính trị Mỹ sẽ bị coi là đang phân cực rõ rệt khi chỉ số này tụt xuống dưới 50%. Điều đó có nghĩa rằng, sự phân cực đảng phái làm người Mỹ không thể tín nhiệm một vị tổng thống thuộc đảng đối lập, làm giảm sự ủng hộ cho vị này.

Nếu xét theo tiêu chuẩn trên, nước Mỹ đang ngày càng bị chia rẽ trong thế kỷ 21. Bởi cả 3 tổng thống trước Joe Biden là George W. Bush, Barack Obama và Donald Trump đều có mức tín nhiệm lần lượt là 49,4%, 47,9% và 41,1%, theo số liệu của Gallup - công ty phân tích dữ liệu có trụ sở tại Washington, Mỹ. Những con số trên đều dưới 50% và giảm dần qua từng năm.

Tiêu chuẩn trên cũng phản ánh xã hội Mỹ những năm 50, và 60 của thế kỷ 20, khi sự phân cực đảng phái không rõ rệt như hiện nay. 3 tổng thống Mỹ thời kỳ đó là Dwight Eisenhower, John Kennedy và Lyndon Johnson đều có mức tín nhiệm lần lượt là 65%, 70,1% và 55,1%, theo Gallup. Các chính trị gia và nhà nghiên cứu gọi đây là "kỷ nguyên lưỡng đảng", theo New York Times. Kỷ nguyên này tiếp tục lặp lại từ năm 1981 đến 2001, khi cả Ronald Reagen, George H.W.Bush và Bill Clinton đều đạt mức tín nhiệm trên 50%. Thậm chí, ở thời kỳ đỉnh cao của cựu tổng thống George H.W. Bush năm 1991, ông có tỷ lệ tín nhiệm lên tới 89%, bao gồm 82% đảng viên Dân chủ và 88% thành viên các đảng Tự do - những con số không tưởng trong thời đại ngày nay.

Độ tín nhiệm của ông Biden giảm do nước Mỹ ngày càng phân cực ảnh 2
Tổng thống George H.W. Bush (giữa) trong cuộc họp với các cố vấn quân sự vào ngày 11/2/1991. Ảnh: AP.

Nếu tiếp tục ngược dòng vào cuối thế kỷ 19, chúng ta có thể gặp một nước Mỹ có mức độ phân cực gần giống thế kỷ 21. Tuy nhiên, bởi không có số liệu về tỷ lệ tín nhiệm của các tổng thống thời đó, nên kết quả bầu cử cũng có thể là một tiêu chuẩn tạm chấp nhận được, theo Jamelle Bouie, nhà bình luận về chính trị, lịch sử và văn hoá của New York Times.

Cụ thể, người chiến thắng trong cả 3 cuộc bầu cử tổng thống giai đoạn 1884 - 1892 đều có lượng phiếu phổ thông không vượt quá 50% tổng số phiếu. Không chỉ vậy, chênh lệch giữa họ và đối thủ cũng vô cùng sít sao, không quá 3% - cho thấy người dân Mỹ thời đó rất trung thành với ứng viên thuộc đảng mà họ ủng hộ. Thế phân cực sâu sắc này chỉ bị phá vỡ từ năm 1896 trở đi, khi William McKinley trở thành tổng thống của Mỹ đầu tiên giành được hơn 50% phiếu phổ thông.

Vậy những yếu tố nào đã tạo ra sự thay đổi trên? Jamelle Bouie cho biết, đó đều không phải những sự kiện tốt đẹp trong lịch sử Mỹ. Đó là những hạn chế với người nhập cư ở miền Bắc. Đó là sự nổi lên của Jim Crow - luật lệ cổ suý sự phân biệt chủng tộc ở miền Nam. Và đó là sự thành công của chủ nghĩa tư bản trong việc đàn áp các cuộc nổi dậy của tầng lớp lao động, và đặt ra các điều khoản đã tước đi quyền bầu cử của hàng triệu người Mỹ đầu thế kỷ 20.

Vậy đâu là những phương pháp có thể phá vỡ thế phân cực sâu sắc của chính trường Mỹ hiện nay? Chưa có lời giải cho câu hỏi này, Jamelle Bouie khẳng định. Sự phân cực sẽ tiếp tục tồn tại, ngày một kiên cố hơn, cho đến khi có một sự kiện đủ lớn để thách thức nó.

Theo New York Times
Bình luận
Các đại biểu tham quan khu trưng bày “Sản phẩm Khoa học, Công nghệ, Đổi mới Sáng tạo” trong khuôn khổ lễ hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2025 do Bộ KH&CN và UBND TP. Hà Nội tổ chức.
Sở hữu trí tuệ: Công cụ phát triển kinh tế trong thời đại số
(Ngày Nay) - Từ một bản nhạc vang lên trên nền tảng số đến sản phẩm địa phương vươn tầm quốc tế nhờ chỉ dẫn địa lý, tất cả đều phản ánh một thực tế: Khi ý tưởng được bảo hộ, sáng tạo mới có cơ hội sinh lời và lan toả giá trị bền vững.
Ảnh minh hoạ.
TP Hồ Chí Minh: Hướng dẫn chi tiết lịch thi vào lớp 10
(Ngày Nay) - Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh vừa công bố lịch thi lớp 10 năm học 2025-2026. Thí sinh dự tuyển lớp 10 năm học 2025 - 2026 sẽ thực hiện 3 bài thi, gồm: Ngữ văn, toán và ngoại ngữ (ngoại ngữ 1 đang học tại trường).
Ảnh minh họa
Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc khuyến nghị nhiều giải pháp nâng cao an toàn giao thông tại Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 25/4, trong chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam, ông Jean Todt, Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về an toàn giao thông đường bộ đã làm việc với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và các cơ quan liên quan, trao đổi giải pháp phối hợp nhằm nâng cao an toàn giao thông tại Việt Nam. Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Lê Kim Thành chủ trì buổi làm việc.