Với chính sách bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ra đường, và khi nhiều người bắt đầu làm việc tại nhà, phụ nữ Nhật Bản dần từ bỏ thói quen trang điểm, đồng nghĩa với việc doanh số son môi tụt giảm nhanh.
“Tôi không còn cần phải đánh son vì bất cứ khi nào phải ra ngoài, tôi đều phải đeo khẩu trang”, Takako Tomura, một bà nội trợ 40 tuổi đến từ tỉnh Yokohama, cho biết. “Ngoài ra các lớp son phấn sẽ bám vào khẩu trang và rất khó tẩy rửa nên việc trang điểm trở nên không cần thiết”.
Tuy nhiên, Tomura cho biết mình đang sử dụng son dưỡng nhiều hơn trước đây.
Một số cửa hàng tại Nhật Bản đã không còn bày các mẫu son thử nghiệm bên ngoài cửa hàng do lo ngại sẽ làm lây lan mầm bệnh COVID-19 giữa các bệnh nhân.
Một nghiên cứu được thực hiện vào tháng 3 bởi Bộ Nội vụ Nhật Bản cho chi tiêu cho son môi đã giảm 22,2% so với cùng kỳ năm trước, nhưng các công ty mỹ phẩm cho biết doanh số thậm chí còn đáng buồn hơn.
Một ước tính cho thấy số lượng son được bán tại Nhật Bản vào năm 2019 lên tới 26 triệu thỏi, nhưng số lượng được bán trong khoảng từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay đã giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh số của tất cả các mặt hàng trang điểm đều giảm do dịch bệnh, nhưng chính thói quen đeo khẩu trang đã tác động mạnh mẽ tới doanh số son môi, một đại diện của hãng mỹ phẩm nội địa Kao Corp cho biết.
“Nhưng trang điểm không chỉ giúp làm đẹp mà còn khiến người ta cảm thấy tích cực hơn, chúng tôi mong đợi sự phục hồi dần dần khi khủng hoảng kết thúc. Tuy nhiên, điều đó sẽ phụ thuộc vào số lượng người tiếp tục đeo mặt nạ và trong bao lâu”, đại diện Kao Corp chia sẻ.
Tại Nhật Bản, xu hướng son môi vào nửa cuối năm 2019 là các gam màu tươi sáng, theo công ty phân tích thị trường Euromonitor International.
Điều tương tự cũng xảy ra cách đây một thập kỷ, cho đến khi trận động đất tháng 3 năm 2011 ở ngoài khơi phía đông bắc Nhật Bản, gây ra một trận sóng thần khiến gần 20.000 người thiệt mạng và góp phần tạo ra thảm họa hạt nhân Fukushima.
Phản ứng của hầu hết phụ nữ Nhật Bản là quay trở lại với các sắc màu nhẹ nhàng và tinh tế hơn để tránh sự phô trương hoặc phấn khích. Thay vì lựa chọn màu đỏ tươi hay các tông màu sặc sỡ, người tiêu dùng Nhật Bản chuyển sang màu da người, màu nâu và bóng mờ.