Thổ cẩm là loại hàng vải dệt thủ công giàu họa tiết, các họa tiết này nổi lên mặt vải giống như được thêu. Ở Việt Nam, nhiều dân tộc thiểu số đều có văn hóa dệt thổ cẩm truyền thống độc đáo của dân tộc mình.
Trong số đó, thổ cẩm của người Tày Cao Bằng nổi tiếng với màu sắc rực rỡ, đẹp và bền, đặc biệt là kỹ thuật tạo hoa văn thổ cẩm được tạo từ mặt trái của sản phẩm.
Với kỹ thuật pha, cài các sợi màu trên hoa văn hết sức tinh tế, đạt trình độ thẩm mỹ cao, thổ cẩm của người Tày xã Ngọc Đào (huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.
Hồn cốt của văn hóa người Tày
Thổ cẩm truyền thống của người Tày Cao Bằng được tạo hình, trang trí bằng nhiều loại hoa văn phong phú đẹp mắt trên chất liệu vải chàm với kỹ thuật dệt, tạo hoa văn tinh tế, thể hiện được sự khéo léo của đôi bàn tay và óc thẩm mỹ sáng tạo của người phụ nữ.
Thông qua các họa tiết trang trí, hoa văn trên thổ cẩm, người dân nơi đây gửi gắm tâm tư, tình cảm và những khát vọng sống của bản thân; thể hiện thế giới tâm hồn, cuộc sống lao động, tình yêu thương giữa con người với con người và mối liên hệ giữa con người với thế giới tự nhiên.
Luống Nọi, xã Ngọc Đào, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng là làng nghề duy nhất còn nguyên bản về kỹ thuật, công cụ dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Tày. Đây là một trong những điểm di sản văn hóa nằm trên tuyến phía Bắc trong "Hành trình về nguồn cội" của Công viên địa chất Non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận.
Làng nghề Luống Nọi hiện còn gần 30 khung cửi của các gia đình dân tộc Tày. Người đầu tiên được phong danh nghệ nhân làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống Luống Nọi là bà Nông Thị Thược - sinh ra trong một gia đình có 4 đời làm nghề dệt thổ cẩm.
Cơ sở sản xuất của nghệ nhân Nông Thị Thược được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam trao tặng "Bảng vàng Gia tộc Nghề Truyền thống Việt Nam" năm 2016, đồng thời cũng là một trong những điểm đến của Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.
Nghệ nhân Nông Thị Thược cho biết các sản phẩm thổ cẩm mà người Tày dệt thường là những tấm trướng che bàn thờ, một số chi tiết cấu thành tấm áo, mũ, khăn, túi đựng đồ nghề, đệm ngồi của thầy cúng… Trong quá trình dệt, người Tày sáng tạo thêm các họa tiết có phong cách riêng, nhưng vẫn giữ nét truyền thống của dệt thổ cẩm Luống Nọi.
Mẫu thổ cẩm của đồng bào Tày có hơn 20 loại hoa văn, họa tiết khác nhau như hoa lê, hoa mận, hoa đào, hoa mai và các loại hoa lạ trong rừng chỉ có ở miền núi (bjoóc chắm, bjoóc kíp, bjoóc tròn, bjoóc pắt…). Một số muông thú hươu, nai, ngựa, chim, bướm… cũng được thể hiện trên hoa văn thổ cẩm của người Tày.
Kỹ thuật dệt thổ cẩm truyền thống của người Tày bao gồm các công đoạn quay sợi, mắc khung, tạo hoa văn, dệt vải.
Nghề dệt thổ cẩm đòi hỏi sự kiên trì, đôi bàn tay khéo léo và sự sáng tạo của người phụ nữ. Các mẫu hoa văn thổ cẩm của người Tày là sự kết hợp hài hòa giữa đường nét, màu sắc và hoa văn.
Nghề dệt thổ cẩm của người Tày ở Lũng Nọi là sự kết hợp hài hòa giữa hoa văn, màu sắc và đường nét. Các màu sắc sáng, tối, nóng, lạnh được xử lý khéo léo trên nền chủ đạo là màu trắng đục, tạo nên bản sắc riêng, độc đáo chỉ có ở nơi đây.
Từ các màu chủ đạo xanh, đỏ, vàng, tím, trắng, đen, người Tày Cao Bằng đã pha chế các gam màu đậm, nhạt, hay tương phản phù hợp theo ý tưởng cho từng sản phẩm, không bị gò bó trong một quy thức nhất định.
Nét độc đáo trong dệt thổ cẩm của người Tày ở Cao Bằng là các hoa văn được tạo mặt trái của tấm thổ cẩm. Công cụ máy móc để dệt ra sản phẩm là khung cửi, con thoi bằng gỗ và que tre vô cùng thô sơ. Khi tạo hoa văn, tất cả được lập trình đã có trong bộ óc của người nghệ nhân, họ nghĩ ra như nào thì dệt ra sản phẩm như vậy chứ hoàn toàn không có mẫu có sẵn.
Khi người dệt giăng những que tre trên khung cửi là họ đã lập trình sẵn sẽ đưa sợi vải nào vào và con thoi đưa qua, đưa lại. Mỗi lần giăng chỉ tạo được 1 hoa văn. khi muốn tạo 1 hoa văn khác thì sẽ phải lập trình lại từ đầu.
Bởi vậy, thời gian để hoàn thành một tấm thổ cẩm thủ công mất khá nhiều thời gian, nghệ nhân Nông Thị Thược cho biết nếu chăm chỉ, một tháng bà chỉ có thể dệt được 3 tấm thổ cẩm, mỗi tấm có kích thước 40cmx120cm.
Giá trị thương mại và điểm đến du lịch làng nghề
Ngày nay, với sự phát triển kinh tế thị trường, nghề trồng bông dệt vải của đồng bào người Tày bị mai một, người dân chủ yếu mua vải dệt công nghiệp về dùng. Tuy vậy, bằng sự nỗ lực của các cấp chính quyền trong tỉnh và người dân địa phương trong công tác bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc đã gìn giữ được nghề dệt thổ cẩm.
Không chỉ là một sản phẩm vật chất của lao động, thổ cẩm của người Tày Cao Bằng là sản phẩm văn hóa, biểu tượng sinh động của kỹ thuật thủ công gắn với giá trị mỹ thuật, thể hiện đời sống tâm hồn phong phú của bà con dân tộc nơi đây.
Những nét độc đáo đó cũng tạo nên giá trị thương mại cao cho thổ cẩm Luống Nọi. Nghệ nhân Nông Thị Thược cho biết giá trị một tấm thổ cẩm kích thước 40cmx120cm lên tới 6 triệu đồng/tấm. Khách du lịch trong nước và đặc biệt là khách du lịch nước ngoài vô cùng ưa chuộng.
Sản phẩm thổ cẩm Luống Nọi làm ra không đủ đáp ứng nhu cầu của khách hàng đến từ Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hòa Bình, Thành phố Hồ Chí Minh. Khách quốc tế đến từ các nước Bỉ, Anh, Pháp, Đức... thường đặt hàng mỗi lần từ vài chục chiếc trở lên.
Thổ cẩm Luống Nọi dành cho khách du lịch có thể làm thành khăn, vải may áo dài, thậm chí cả chăn, ga, gối.
Cùng với tiếng nói, hoa văn thổ cẩm là di sản văn hóa truyền thống độc đáo mang đặc trưng riêng dễ nhận biết, do đó thổ cẩm cũng như nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Tày Cao Bằng là nét văn hóa độc đáo và đặc sắc, chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người Tày, góp phần to lớn vào việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Tày Cao Bằng.
Để gìn giữ, phát huy Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã gắn nghề dệt thổ cẩm với phát triển du lịch tạo nên điểm độc đáo thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.
Bà Tô Thị Trang, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng cho biết thời gian tới, tỉnh sẽ có những phương án cụ thể hơn trong việc bảo tồn, phát huy giá trị nghề dệt thổ cẩm của người Tày ở Lũng Nọi.
Tỉnh có kế hoạch xây dựng và triển khai đề án hỗ trợ, đào tạo, nâng cao tay nghề cho người dệt thổ cẩm; khuyến khích đồng bào Tày ở Lũng Nọi chủ động định hướng, động viên bà con đầu tư khung dệt thủ công, đa dạng hóa mẫu mã, chủng loại các sản phẩm thổ cẩm..., tạo ra sản phẩm chất lượng cung ứng cho thị trường.
Cùng với đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, thu hút du khách đến trải nghiệm nhằm giữ gìn, phát huy và nâng cao thu nhập cho người dân làm nghề dệt thổ cẩm…