Laurent Demoulin sinh năm 1966 tại Liège, Bỉ. Ông xuất thân là một giáo viên trung học nhưng đã tiến sâu vào con đường nghiên cứu văn chương và đảm đương cùng lúc nhiều vai trò như: nhà văn, nhà thơ, nhà tiểu luận, nhà phê bình văn học. Hiện Demoulin đang là Giáo sư chủ nhiệm khoa Văn học và Ngôn ngữ Roman tại Đại học Liège. Các luận án nghiên cứu của Demoulin xoay quanh sáng tác của Jean-Philippe Toussaint và Francis Ponge. Ngoài ra, ông còn là người phụ trách Trung tâm Nghiên cứu và Quỹ Georges Simenon.
Robinson có-tự kỷ của tôi là tiểu thuyết đầu tay Demoulin và cũng là cuốn sách đã giúp ông ghi dấu trên văn đàn nước Bỉ qua giải thưởng Victor-Rossel danh giá. Nội dung cuốn sách kể về Robinson, một cậu bé tự kỷ 10 tuổi, và người cha là giáo sư đại học gồm những mẩu chuyện ngắn xảy ra trong cuộc sống thường ngày của hai cha con: những lần đi siêu thị, những cuộc hẹn hò dạo quanh khu phố, những buổi tới công viên hay những câu chuyện dở khóc dở cười của người cha khi ở nhà trông cậu con trai khó chiều.
Robinson có-tự kỷ của tôi đã được NXB Nhã Nam phát hành cuối năm 2021. Ảnh: Nhã Nam. |
Bằng lời kể tinh tế nhưng cũng ẩn chứa đầy sự hài hước, Demoulin có khả năng biến những trải nghiệm đau đớn, tuyệt vọng bậc nhất thành một khúc ca dịu êm của tình phụ tử. Thế giới của hai cha con Robinson chỉ xoay quanh những chuyện tưởng như đơn giản là ăn uống, tắm rửa, mua sắm… nhưng đó là cả một cuộc phiêu lưu chồng chất những thách thức, đau đớn, tuyệt vọng và cũng lấp lánh cả niềm vui, sự kỳ vọng và triết lý trân quý từng phút giây của sự sống.
Với chủ đề về những đứa trẻ bất toàn, Robinson có-tự kỷ của tôi lẽ ra là một cuốn sách nặng nề đau đớn bởi khiếm khuyết mà cậu bé phải chịu, vậy mà độc giả lại bắt gặp những câu chuyện trong trẻo, hài hước, tràn đầy năng lượng từ cậu bé kháu khỉnh ấy, từ những tiếng reo vui đến điên rồ và cả từ tình yêu mà cậu dành cho người cha sẵn lòng chấp nhận toàn bộ con người cậu. Người cha ấy không nản chí, không bi kịch hóa cuộc đời mà luôn dang rộng vòng tay yêu thương.
“Robinson chẳng gặp vấn đề gì hết. Đôi lúc nó buồn, đôi lúc nó cằn nhằn, đôi lúc nó đau bụng. Nhưng phần lớn thời gian nó vui vẻ, hòa nhã, thoải mái và hài lòng với những mối bận bịu của riêng mình.
Nó không gặp vấn đề gì. Nhưng nó lại là một vấn đề. Trong thế giới nó đang sống và nó sẽ sống mai kia.”
Trích Robinson có-tự kỷ của tôi - Laurent Demoulin
Có thể nói, Robinson có-tự kỷ của tôi là tất cả, là thiên sử thi và khúc bi ca, là chuyện kể phiêu lưu và vở hài kịch, là suy tưởng triết học và chuyến dạo chơi về văn chương, nhưng nó hoàn toàn không phải một “bản tường trình” về căn bệnh tự kỷ. Bởi trên hết, Laurent Demoulin là một nhà văn với ngôn từ phong phú, một giáo sư văn học, chuyên gia ngôn ngữ, là người biết rõ hơn ai hết rằng “không có ngôn ngữ, kẻ khác ở khắp mọi nơi, trong ta, quanh ta, xuyên ta”...
Bằng ngôn từ của mình, tác giả đã biến những trải nghiệm đau đớn, tuyệt vọng bậc nhất thành một khúc ca dịu êm của tình phụ tử. Trật tự thành hỗn độn, lộn xộn hóa hài hòa, Robinson có-tự kỷ của tôi đã khiến chúng ta nhận ra cuộc đời này đủ rộng lớn để chào đón tất cả những khác biệt vốn dĩ tạo nên con người.
Trong khuôn khổ Ngày hội Văn học châu Âu được tổ chức sắp tới, Nhã Nam và Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam sẽ phối hợp tổ chức buổi tọa đàm giữa Laurent Demoulin và độc giả Việt để cùng thảo luận sâu hơn về Robinson có-tự kỷ của tôi. Đặc biệt, buổi tọa đàm có sự tham gia của nhà giáo Trịnh Thị Lệ Thu, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Bình Minh và tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mai Hương, Khoa Công tác xã hội, Đại học Sư phạm Hà Nội.
Buổi tọa đàm về cuốn sách Robinson có-tự kỷ của tôi sẽ được tổ chức vào 18h-20h, thứ Ba, ngày 10/05/2021 tại Viện Goethe, 56-60 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.