Theo đó, nếu giá dầu thô trên thị trường thế giới ở mức từ 75 đến 95 USD một thùng, thuế nhập khẩu xăng, dầu hỏa sẽ được niêm yết tối đa ở mức 25%, cao hơn 5% so với mức trần trước đây. Mức trần với diezen, mazut giữ nguyên là 15%.
Trường hợp giá mỗi thùng dầu thô từ 60 đến dưới 75 USD, thuế suất với xăng và dầu hỏa cao nhất là 35%, tăng 10%. Mức thuế đối đa với diezen, mazut cũng tăng 10%, lên 30%.
Khi giá dầu thô ở dưới 60 USD một thùng, thuế suất các mặt hàng xăng dầu sẽ ở mức cao nhất 40%, tăng so với mức trần 25 - 30% ở quy định cũ. Văn bản cũng bổ sung thêm bậc mới, đó là khi giá dầu thô ở trên 95 USD một thùng, thuế suất đối với xăng, dầu hỏa tối đa là 20%, trong khi diezen, mazut cao nhất là 15%.
Việc điều chỉnh barem (thang) tính thuế nhập khẩu xăng dầu diễn ra trong bối cảnh ngân sách nguy cơ hụt thu hàng chục nghìn tỷ đồng do giá dầu thế giới giảm. Trả lời báo chí tại phiên họp báo thường kỳ tháng 11, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết giá dầu giảm 1 USD, ngân sách hụt thu khoảng 1.000 tỷ đồng. Hiện dự toán ngân sách 2015 được xây dựng trên cơ sở giá dầu dự báo khoảng 100 USD một thùng. Tuy nhiên, theo Bloomberg, giá dầu thô WTI hôm nay đã xuống tới 67 USD một thùng.
Hiện thuế nhập khẩu xăng đang ở mức 18%, diezen là 14%, dầu hỏa là 16% và mazut là 15%, đều thấp hơn mức trần cho phép. Trong công văn 11787 được Bộ Tài chính ban hành ngày 22/8/2014, cơ quan này khẳng định sẽ duy trì mức thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu ổn định từ nay đến hết năm 2014.
Theo Bộ Tài Chính, các mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi nêu tại công văn này là một trong những căn cứ, cơ sở để Bộ Tài chính xem xét, ban hành Thông tư hướng dẫn về mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi cụ thể đối với các mặt hàng xăng dầu và cũng là một trong những căn cứ để các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu chủ động xây dựng kế hoạch, phương án kinh doanh.
Việc tăng thuế suất nhập khẩu đối với mặt hàng xăng dầu được đề ra khi giá dầu thế giới liên tục vỡ đáy trong thời gian qua. Việc giá dầu thế giới giảm sâu có ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh tế, thu nhân sách của Việt Nam. Trước đó, trong cuộc họp báo thường kỳ Chính Phủ, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên cho biết, giá cứ giảm 1 USD thì ngân sách hụt khoảng 1.000 tỷ đồng. Nếu giá giảm về 85 USD thì thu ngân sách hụt khoảng 20.000 tỷ đồng.