Cam kết nêu trên được ghi trong tuyên bố chung đưa ra sau cuộc họp giữa Bộ trưởng Ngoại giao ba nước tại Putrajaya (Malaysia), ngày 20/5.
Đây là bước đột phá đầu tiên trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo mà Đông - Nam Á đang đối mặt, sau nhiều tuần các nước trong khu vực không sẵn sàng gánh trách nhiệm tiếp nhận người di cư trái phép.
LHQ đã kêu gọi Malaysia, Indonesia và Thái Lan giải cứu người di cư trên biển và chấm dứt hành động ngăn cản các thuyền di cư cập bến nước họ, bảo đảm các điều kiện tiếp nhận thỏa đáng và nhân đạo.
Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) kêu gọi chính phủ các nước trong khu vực trước hết cứu người di cư, rồi mới tính toán các giải pháp dài hạn.
Bộ trưởng Ngoại giao ba nước Malaysia, Indonesia và Thái Lan. Ảnh: AP |
Tại cuộc họp, các Bộ trưởng Ngoại giao bày tỏ quan ngại về tình trạng người di cư qua đường biển ngày càng tăng, chủ yếu xuất phát từ Myanmar và Bangladesh vào Malaysia và Indonesia, cũng như nạn buôn người ngày càng nghiêm trọng trong khu vực.
Tuyên bố chung nhấn mạnh, cần xác định rõ nguyên nhân gốc rễ cũng như các yếu tố góp phần tạo nên “cơn sốt” di cư; và khẳng định, cuộc khủng hoảng này chỉ có thể giải quyết bằng nỗ lực của cả các nước liên quan và cộng đồng quốc tế. Các Bộ trưởng cam kết giải quyết vấn đề phù hợp tinh thần đoàn kết của ASEAN, nỗ lực của Hiệp hội xây dựng một cộng đồng chung lấy người dân làm trung tâm.
Malaysia và Indonesia cam kết tiếp tục hỗ trợ nhân đạo cho những người di cư bất hợp pháp (ước tính hơn 7.000 người còn lênh đênh trên biển) và kêu gọi cộng đồng khu vực và quốc tế thực thi tiến trình tái định cư và hồi hương những người này trong vòng một năm tới.
Các cơ quan thực thi pháp luật các nước liên quan tiếp tục chia sẻ thông tin tình báo trong nỗ lực ngăn chặn nạn buôn người. Ba nước cũng hối thúc cộng đồng quốc tế thực thi trách nhiệm nhân đạo, khẩn trương chia sẻ gánh nặng cung cấp hỗ trợ cần thiết cho các nước liên quan nhằm giải quyết khủng hoảng.
Người di cư Rohingya bơi ra để nhận đồ ăn cứu trợ trực thăng quân đội Thái Lan thả xuống biển Andaman hôm 14/5 |
Trước đó, Chính phủ Myanmar đã cam kết hợp tác với các đối tác khu vực và quốc tế nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng di cư, được cho chủ yếu là cộng đồng người Hồi giáo Rohingya thiểu số ở Myanmar.
Philippines tuyên bố sẵn sàng viện trợ nhân đạo cho những người di cư, trong khuôn khổ trách nhiệm của nước này là thành viên Công ước LHQ về người tị nạn năm 1951.
Australia cũng ủng hộ các nước láng giềng ở Đông - Nam Á cung cấp hỗ trợ cho người tị nạn ngoài biển. Thổ Nhĩ Kỳ cho biết sẽ cử tàu tới hỗ trợ giải cứu người di cư lênh đênh trên các con thuyền ngoài khơi các nước Đông - Nam Á.
Hợp tác cùng Thời Nay
Xem thêm:
- Báo động khủng hoảng di cư trên vùng biển Đông Nam Á
- Nghĩa trang lớn nhất Đông Nam Á: Chính quyền “phớt” quy hoạch do Thủ tướng phê duyệt?
- Báo Úc: Việt Nam là đối tác thương mại tiềm năng nhất của Úc tại Đông Nam Á