Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu khẳng định, tỉnh quyết tâm thực hiện chủ trương phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững nhằm nâng cao thu nhập của người dân; đồng thời bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, chất lượng môi trường bản địa, truyền thống, bản sắc văn hóa được gìn giữ, phát huy.
Theo đó, tỉnh tận dụng tiềm năng sẵn có để tạo kinh tế tuần hoàn, xanh hóa; phát triển các sản phẩm phục vụ du lịch xanh, nỗ lực thay đổi nhận thức, hành vi tiêu dùng của du khách.
Ông Ngô Quang Tuyên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Đồng Tháp đẩy mạnh việc xây dựng và cơ cấu lại sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu du khách, trong đó chú trọng du lịch nông nghiệp, tận hưởng sinh thái, trải nghiệm các sản phẩm nông nghiệp; khai thác giá trị cảnh quan thiên nhiên của Vườn Quốc gia tràm Chim, Làng hoa Sa Đéc, cây sen và các sản phẩm từ sen.
Du lịch xanh ở Đồng Tháp ngày càng phát triển. Trước đây, tỉnh có 84 điểm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp. Đến cuối năm 2022, Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt thêm 70 địa điểm mới vào quy hoạch, tạo điều kiện hỗ trợ các điểm này mạnh dạn chuyển đổi từ mô hình kinh tế nông nghiệp thuần túy sang phát triển du lịch nông nghiệp.
Đồng Tháp là tỉnh nông nghiệp, với gần 70% dân số sinh sống ở nông thôn, có điều kiện tự nhiên khá thuận lợi...Nền nông nghiệp của tỉnh phong phú với nhiều sản vật nổi tiếng, đặc biệt là hoa, trái cây, thủy sản. Người dân Đồng Tháp cần cù, sáng tạo, nhân hậu và mến khách.
Các giá trị về lịch sử, văn hóa bản địa, ẩm thực đặc trưng Nam Bộ...là những lợi thế để tỉnh phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Du lịch cộng đồng bước đầu góp phần đa dạng hóa, làm phong phú sản phẩm, tăng thêm sự lựa chọn cho du khách khi tìm hiểu, trải nghiệm, khám phá vẻ đẹp của con người và văn hóa Đồng Tháp.
Huyện Cao Lãnh có 4 hộ làm du lịch từ vườn xoài. Khách du lịch được trực tiếp giới thiệu mô hình "Cây xoài nhà tôi," trực tiếp trải nghiệm các công đoạn chăm sóc xoài như xới đất, tỉa cành, bao trái, tham gia thu hoạch xoài, đóng gói xoài xuất khẩu…Du khách còn được thưởng thức những món ăn bình dị gắn với cuộc sống của người dân Nam Bộ như cá lóc nướng trui, ốc nướng, ốc hấp tiêu, mắm kho, gà nướng, cá rô kho tộ…
Làng hoa kiểng Sa Đéc trở thành điểm du lịch xanh hấp dẫn. Nhiều nhà vườn đã đầu tư xây dựng các điểm đến thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh như Khu Du lịch hoa kiểng Sa Đéc, Vườn hồng Tư Tôn, Đài ngắm Hoa...Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sa Đéc chung tay, chung sức, chung lòng xây dựng và phát triển những tiềm năng và lợi thế vốn có, quy hoạch xây dựng Làng hoa kiểng Sa Đéc trở thành khu vực sản xuất hoa tập trung lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long, kết hợp phát triển du lịch. Thành phố Sa Đéc quyết tâm xây dựng Làng văn hóa du lịch Sa Đéc và nhiều điểm tham quan du lịch gắn với sản xuất hoa kiểng mang đậm bản sắc thương hiệu Sa Đéc.
Lao động tại các điểm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp được tỉnh chú trọng tập huấn thay đổi tư duy làm du lịch; xây dựng các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống để thu hút khách; phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành xây dựng tour, tuyến, sản phẩm dịch vụ mới và hỗ trợ địa phương phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Năm 2023, Đồng Tháp xây dựng tour du lịch tuyến biên giới Tân Hồng - Hồng Ngự; tiếp tục hoàn thiện chất lượng tour dỡ chà đãi bạn thành phố Cao Lãnh, tour du lịch trải nghiệm nông nghiệp huyện Cao Lãnh, tour Làng nghề chiêu Định Yên. Đặc biệt, tỉnh xây dựng chuyên mục ẩm thực sen và thực hiện chuyên trang ẩm thực sen để quảng bá các món ăn chế biến từ sen. Các nhà hàng, khách sạn, quán ăn, homestay, farrmstay, khu, điểm du lịch đưa vào phục vụ các món ăn chế biến từ sen Đồng Tháp.
Bà Huỳnh Thị Hoài Thu, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết, năm 2023, tỉnh phấn đấu thu hút 3,6 triệu lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm. Tổng doanh thu du lịch đạt 1.600 tỷ đồng, tạo tiền đề thuận lợi cho những năm tiếp theo nhằm sớm đưa Đồng Tháp trở thành điểm đến hấp dẫn trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.