Các đợt nắng nóng thường xuyên, hạn hán và cháy rừng đang hoành hành tại các quốc gia Địa Trung Hải trong mùa Hè này. Tác động của thời tiết cực đoan đối với đời sống kinh tế - xã hội đã quá rõ, song các hiện tượng này sẽ tác động thế nào đến tương lai của ngành du lịch.
Có thể thấy các trận cháy rừng tàn khốc diễn ra hàng năm quanh Địa Trung Hải không còn là chuyện hiếm. Các đợt nắng nóng với nền nhiệt lên tới trên 40 độ C và hạn hán cũng chỉ là chuyện thường ngày. Các quốc gia Nam Âu như Tây Ban Nha, Hy Lạp và Italy một lần nữa vẫn đón lượng khách du lịch kỷ lục trong mùa Hè này.
Giáo sư Stefan Gössling, chuyên nghiên cứu về tính bền vững và biến đổi khí hậu tại Đại học Linnaeus ở Kalmar, Thụy Điển, cho biết tính đến thời điểm hiện tại, không có sự thay đổi nào trong hành vi du lịch do biến đổi khí hậu.
Italy dự đoán sẽ đón số lượng khách du lịch kỷ lục trong năm nay. Còn Tây Ban Nha, số lượng khách sạn và phòng nghỉ được đặt trước luôn ở mức tối đa, giống như hầu hết các mùa Hè khác.
Theo Hiệp hội Du lịch Đức (VNDCCH), các quốc gia Địa Trung Hải cũng nằm trong số những điểm đến du lịch phổ biến nhất với người Đức trong năm nay. Và dự báo mới nhất của Ủy ban Du lịch châu Âu (ETC) cho thấy Pháp, Italy và Tây Ban Nha vẫn là những điểm đến du lịch được tìm kiếm nhiều nhất đối với người châu Âu.
Giáo sư Ulrich Reinhardt, thuộc Tổ chức Nghiên cứu Tương lai ở Hamburg, Đức cho biết những bãi biển đầy nắng, thời tiết ấm áp, người dân địa phương thân thiện và cơ hội khám phá văn hóa địa phương vẫn là những yếu tố hấp dẫn. Do đó, bất chấp nguy cơ xảy ra các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, nhiều du khách vẫn muốn dành kỳ nghỉ của họ ở những vùng như vậy.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tác động của biến đổi khí hậu đối với du lịch ở khu vực này của thế giới sẽ tiếp tục gia tăng. Giáo sư Gössling cho biết sẽ có những thay đổi dần dần (trong xu hướng du lịch). Du lịch trong mùa thấp điểm chắc chắn sẽ trở nên phổ biến hơn ở Tây Ban Nha, Italy và Hy Lạp trong tương lai.
Các tác giả nghiên cứu của ETC công bố gần đây đã kết luận rằng các khu vực phía Nam đang phải đối mặt với “sự suy giảm đáng kể về nhu cầu du lịch,” cho rằng sức hấp dẫn của Nam Âu, khu vực vốn nổi tiếng về du lịch sẽ giảm vào mùa Hè. Tuy nhiên, Bắc và Trung Âu có thể được hưởng lợi từ biến đổi khí hậu và thu hút nhiều khách du lịch hơn.
Nhà nghiên cứu tương lai học Ulrich Reinhardt đồng ý với quan điểm này, cho rằng các điểm đến phía Bắc đã trải qua giai đoạn phát triển thịnh vượng trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, ông dự báo trong 20 hoặc 50 năm nữa, khách du lịch sẽ không dành riêng kỳ nghỉ Hè của họ ở những nước Địa Trung Hải. Mặt khác, những quốc gia này cũng không muốn hướng tới du lịch đại chúng nữa.
Tuy nhiên, các điểm đến xung quanh Biển Bắc và Biển Baltic có thể sẽ trở thành điểm nóng mới đối với khách du lịch Tây Âu. Ông Ulrich Reinhardt dự đoán, châu Âu sẽ chứng kiến sự phục hưng của ngành du lịch Alpine và sự phổ biến ngày càng tăng của các khu vực Đông Âu.
Ông Reinhardt cũng cho rằng một số điểm đến du lịch nổi tiếng ở Tây Ban Nha cũng có thể sẽ trở nên ít “thời thượng” hơn trong tương lai. Ông cho biết trong 20 năm nữa, nhiều du khách sẽ dành kỳ nghỉ của họ ở vùng núi hơn là ở Ballermann, đề cập đến bãi biển nổi tiếng trên đảo Mallorca của Tây Ban Nha. Điều đó có nghĩa là các điểm đến trong thành phố được tìm kiếm sẽ là những nơi như Reykjavik, Tallinn và Copenhagen, thay vì Athens, Venice hoặc Barcelona.
Theo nhà nghiên cứu du lịch Stefan Gössling, các quốc gia ở Nam Âu phải có chiến lược thích ứng với những thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu. Nhưng những thay đổi như vậy vẫn còn là một chặng đường dài. Các nước Nam Âu cũng nên thay đổi các dịch vụ du lịch của họ thay vì chỉ tập trung vào du lịch biển và tắm nắng ở các nước Địa Trung Hải.
Nhưng chủ đề này dường như vẫn chưa được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự ở Tây Ban Nha. Ví dụ, trong báo cáo ngành mới nhất từ Hiệp hội du lịch Tây Ban Nha Exceltur, không có bất kỳ đề cập nào về biến đổi khí hậu.
Theo ông Reinhardt, nhiều khách sạn đang phản ứng bằng cách bật điều hòa để giải quyết cái nóng, nhưng điều đó không giải quyết được vấn đề gì cả. Ông cho biết thêm, cần có những nỗ lực lớn để bảo vệ chống lại các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, thiết lập các hệ thống cảnh báo sớm và cải thiện nguồn cung cấp nước.
Giáo sư Jorge Olcina, một nhà địa lý và chuyên gia về biến đổi khí hậu tại trường Đại học ở Alicante, miền Nam Tây Ban Nha, đánh giá rằng tiến độ đang chậm hơn mức cần thiết. Nhưng ít nhất những bước đầu tiên đang được thực hiện. Ông nói: “Ví dụ, Tây Ban Nha đã có luật biến đổi khí hậu từ năm 2021, một số thành phố và khu vực đã vạch ra kế hoạch thích ứng với các điều kiện thay đổi.”
Benidorm, một "thành trì" du lịch ở Costa Blanca, đặt mục tiêu thúc đẩy du lịch mạnh mẽ hơn mùa thấp điểm. Điều này một phần là do nhiệt độ tăng đã gây ra thách thức đối với du lịch mùa Hè. Mặc dù vậy, trong mùa cao điểm này, Benidorm vẫn là điểm đến rất nổi tiếng. Hiệp hội các chủ khách sạn địa phương dự báo tỷ lệ lấp đầy khách sạn là 90% trong tháng Tám.