Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức Robert Habeck cho biết nước Đức "đang trong một cuộc khủng hoảng khí đốt". Theo ông Habeck, nguồn cung khí đốt cho Đức bị gián đoạn và hiện tại khí đốt đang là một mặt hàng khan hiếm, giá đã tăng cao và còn tăng hơn nữa.
Biện pháp kích hoạt báo động này là diễn biến leo thang mới nhất trong mối quan hệ đối đầu giữa châu Âu và Moscow kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra, gây ra tranh cãi trong nội bộ khối EU về sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga và làm dấy lên một cuộc tìm kiếm điên cuồng các nguồn năng lượng thay thế.
Động thái của chính phủ Đức phần lớn mang tính biểu tượng đối với các công ty và hộ gia đình, nhưng đánh dấu một sự thay đổi lớn đối của chính nước Đức, quốc gia đã vun đắp mối quan hệ năng lượng bền chặt với Nga kéo dài từ thời Chiến tranh Lạnh.
Tuần này, dòng chảy khí đốt suy giảm đã làm dấy lên cảnh báo rằng Đức có thể rơi vào tình trạng suy thoái nếu nguồn cung của Nga ngừng hoàn toàn. Một cuộc khảo sát của Reuters hôm thứ Năm cho thấy nền kinh tế hàng đầu châu Âu đang mất đà trong quý thứ hai.
"Chúng ta không được tự đánh lừa mình: Việc cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt là một cuộc tấn công kinh tế của Tổng thống Nga Vladimir Putin", Bộ trưởng Robert Habeck cho biết trong một tuyên bố. "Kể từ bây giờ, khí đốt là một mặt hàng khan hiếm ở Đức. Do đó, chúng tôi hiện có nghĩa vụ giảm tiêu thụ khí đốt, hiện đã vào mùa hè."
Ngày 23/6, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định Nga là nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy cho châu Âu, và luôn "tuân thủ nghiêm ngặt mọi nghĩa vụ của nước này".
Trả lời họp báo, ông Peskov cho biết Đức đã được thông báo về "chu trình dịch vụ" của đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1, sắp trải qua quá trình bảo dưỡng từ ngày 11-21/7 tới.
Dòng chảy khí đốt thông qua đường ống ngầm Dòng chảy phương Bắc 1 từ Nga tới Đức đã giảm sút. Nga cho rằng lỗi kỹ thuật do các biện pháp trừng phạt gây ra đã buộc tập đoàn năng lượng quốc doanh Gazprom phải giảm cung cấp khí đốt, trong khi phía Italy và Đức chỉ trích đây chỉ là cái cớ để Nga cung cấp ít lượng khí đốt hơn.