Lãnh đạo Cục Hàng không vừa có văn bản gửi Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) nêu một số vấn đề khi thẩm định Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Viet Bamboo Airlines).
Trước đó vào ngày 6/6, Cục Hàng không đã nhận được đề nghị kèm hồ sơ xin cấp Giấy phép vận chuyển hàng không của Viet Bamboo Airlines (công ty do Tập đoàn FLC sở hữu 100%). Dù thiếu văn bản xác nhận vốn góp 700 tỷ đồng nhưng với cam kết bổ sung của doanh nghiệp trước thời điểm có lịch thẩm định, Cục Hàng không cho rằng về cơ bản, hồ sơ xin cấp phép của Viet Bamboo Airlines đủ điều kiện để tiến hành các bước tiếp theo.
Tuy vậy, cản trở lớn nhất cho việc xem xét cấp phép cho doanh nghiệp lại nằm ở các quy định hiện hành. Trước nay theo Nghị định 92 về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không, doanh nghiệp muốn được cấp phép sẽ nộp hồ sơ lên Cục Hàng không thẩm định, báo cáo Bộ Giao thông. Nếu hồ sơ đáp ứng yêu cầu, Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ quyết định chủ trương cho doanh nghiệp đầu tư.
Điều 34 Luật Đầu tư quy định đối với các dự án thuộc thẩm quyền Thủ tướng quyết định đầu tư, doanh nghiệp cần nộp hồ sơ xin cấp phép đến cơ quan đăng ký đầu tư để cơ quan này gửi Bộ Kế hoạch & Đầu tư thẩm định.
Tuy nhiên từ 1/7/2015, khi Luật Đầu tư có hiệu lực, lại có thêm cách hiểu rằng cơ quan thẩm định hồ sơ nêu trên là Bộ Kế hoạch & Đầu tư. Vì sự chồng chéo này, Cục Hàng không cho rằng hiện chưa rõ hồ sơ của Viet Bamboo Airlines sẽ được thẩm định bởi cơ quan nào, theo luật chuyên ngành hay theo Luật Đầu tư.
Ngoài ra, để tuân chứng minh năng lực tài chính, doanh nghiệp sẽ phải nộp vào ngân hàng và bị phong tỏa 700 tỷ đồng (số vốn tối thiểu để được vận chuyển hàng không thương mại và cũng là vốn đăng ký của Viet Bamboo Airlines) cho đến khi cơ quan quản lý cấp phép hay từ chối. Như vậy số tiền này sẽ bị "treo" nếu câu trả lời rõ ràng không được đưa ra.
Trước Hàng không Tre Việt, một doanh nghiệp khác là Công ty CP bay và du lịch biển Tân Cảng từng rơi vào thế kẹt này. Cụ thể vào cuối năm 2016, công ty nộp hồ sơ xin cấp phép kinh doanh vận tải hàng không chung, được Cục Hàng không thẩm định đủ điều kiện, báo cáo Bộ Giao thông kiến nghị Chính phủ cấp phép. Tuy nhiên, khi lấy ý kiến các bộ ngành liên quan, có cơ quan cho rằng cần phải thực hiện theo Luật Đầu tư, tức là doanh nghiệp phải nộp hồ sơ cho Bộ Kế hoạch & Đầu tư thẩm định. Vì vậy suốt một năm qua, doanh nghiệp này vẫn phải để 100 tỷ đồng “vốn chết” ở tài khoản chờ chủ trương xin cấp phép.
Trước những vướng mắc trên, Cục Hàng không đề xuất Bộ Giao thông kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận trình tự thẩm định, cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Hàng không Tre Việt theo quy định của Nghị định 92 (giao cho cơ quan này thẩm định). Trong thời gian chờ Thủ tướng cho ý kiến, Cục khẳng định vẫn chưa thể thẩm định hồ sơ này.
Trước đó vào cuối tháng 5, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (Mã CK: FLC) đã công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị thành lập công ty con là Hàng không Tre Việt (Viet Bamboo Airlines) với vốn điều lệ 700 tỷ đồng. Đội bay được dự kiến gồm 7 chiếc Airbus 320 đi thuê và khai thác từ cuối năm 2018.
Trước đó, Việt Nam đã có 4 hãng hàng không hoạt động là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vietjet Air và VASCO - đơn vị đang trong quá trình tái cơ cấu. Một tên tuổi khác là Vietstar Airlines (vốn điều lệ 800 tỷ đồng) dù đã công bố kế hoạch bay từ đầu năm 2016 nhưng đến nay chưa được cấp phép hoạt động do phải chờ mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.
Quy định doanh nghiệp xin cấp phép kinh doanh vận tải hàng không phải có văn bản xác nhận vốn phong toả ở ngân hàng được áp dụng từ năm 2013 (theo Nghị định 30/2013), sau bài học rút ra từ sự phá sản của hãng hàng không tư nhân Indochina Airlines (ICA) do nhạc sĩ Hà Dũng làm Tổng giám đốc.
Được cấp phép năm 2008, ICA cất cánh chỉ với một máy bay đi thuê. Đến năm 2010 khi ngừng hoạt động, ICA nợ khoảng 70 tỷ đồng, chưa kể tiền bán vé đã thu trước của hành khách. Vì không có tiềm lực tài chính, việc giải quyết công nợ của ICA rất khó khăn, ảnh hưởng lớn đến đối tác cung cấp xăng dầu, dịch vụ mặt đất…. và hành khách đã mua vé. Thậm chí đối tác cho thuê máy bay đã đơn phương chấm dứt hợp đồng, khiến ICA không có phương tiện hoạt động ngay cả khi chưa tuyên bố phá sản.
Từ bài học này, ngoài việc yêu cầu doanh nghiệp tăng vốn, chứng minh năng lực tài chính thông qua khoản tiền tương đương vốn điều lệ phong toả ở ngân hàng, Bộ Giao thông cũng quy định hãng hàng không phải có tối thiểu 2 máy bay trong suốt thời gian hoạt động, trong đó phải có cả máy bay sở hữu và đi thuê.
Theo Vnexpress