Trong một tập hợp các khuyến nghị không ràng buộc về mặt pháp lý đối với chính phủ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), EC kêu gọi các quốc gia thành viên đảm bảo các cuộc điều tra và truy tố công bằng, hiệu quả chống lại những đối tượng đang tấn công và đe dọa sự an toàn của các nhà báo và cung cấp dịch vụ bảo vệ cho những người bị đe dọa.
Phó Chủ tịch EC về Giá trị và Tính minh bạch, Věra Jourová kêu gọi: “Không thể để các nhà báo bị giết hại và bị đe dọa chỉ vì công việc của họ. Chúng ta cần hỗ trợ và bảo vệ các nhà báo, họ có vai trò rất cần thiết cho xã hội văn minh”.
Trong năm 2020, tổng cộng 908 nhà báo và nhân viên truyền thông đã bị tấn công ở 23 quốc gia thành viên EU. Kể từ năm 1992 tới nay, 23 nhà báo đã bị giết hại ở EU, phần lớn các vụ sát hại này xảy ra trong 6 năm qua. Trong những năm gần đây, nhiều nhà báo đã bị sát hại ở Bulgaria, Hy Lạp, Malta, Hà Lan và Slovakia.
EC cho biết 73% nhà báo nữ đã từng bị bạo lực trực tuyến và Chủ tịch EC kêu gọi các quốc gia thành viên thiết lập đường dây trợ giúp, nơi trú ẩn và dịch vụ hỗ trợ tâm lý cho các nhà báo đang bị đe dọa.
Các khuyến nghị trên được đưa ra trong bối cảnh EC đang chuẩn bị Đạo luật Tự do Truyền thông mới, một gói các biện pháp cả ràng buộc và không ràng buộc đối với các quốc gia thành viên sẽ được thông qua vào năm tới.