Việc thông qua kế hoạch nầy sẽ mở đường cho đợt giải ngân các khoản tài trợ và cho vay đầu tiên của khối này nhằm đẩy mạnh quá trình phục hồi hậu đại dịch COVID-19.
EU đang từng bước triển khai kế hoạch phục hồi trị giá 750 tỷ euro và “đèn xanh được bật lên” đồng nghĩa với việc hàng chục nước có thể nhận được khoản tiền đã hứa hẹn đầu tiên.
Các khoản chi bổ sung tiếp theo sẽ phụ thuộc vào việc các chính phủ có thực hiện đúng các cải cách và các cam kết đặt ra trước đó hay không, trong đó gồm việc thúc đẩy các ưu tiên đầu tư xanh và kỹ thuật số của châu Âu.
Tây Ban Nha và Italy là hai nước chịu tác động nặng nề bởi dịch COVID-19 và sẽ được hưởng phần lớn quỹ phục hồi trên với mỗi quốc gia sẽ nhận được gần 70 tỷ euro trong 5 năm tới, nhiều hơn so với mức gần 40 tỷ euro mà Pháp nhận được.
Bộ trưởng Tài chính Andrej Sircelj từ Slovenia - nước giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU, cho biết với sự hỗ trợ này, các quốc gia thành viên có thể bắt đầu những cải cách và đầu tư cần thiết cho sự phục hồi, củng cố và chuyển đổi nền kinh tế.
Chỉ có hai quốc gia trong số 27 quốc gia là Bulgaria và Hà Lan, vẫn chưa gửi đề xuất của mình.
Trong khi đó, đề xuất của Hungary đã trở thành một vấn đề chính trị đau đầu, khi Ủy ban châu Âu vẫn chưa ký thông qua do những lo ngại về cam kết của Budapest trong việc chống tham nhũng và quản trị tốt.
EU đã đạt thỏa thuận về kế hoạch phục hồi trị giá 750 tỷ euro vào tháng 7/2020 nhưng chương trình này cần phải được tất cả 27 quốc gia thành viên liên minh thông qua trước khi Ủy ban châu Âu có thể vay tiền thay mặt EU.
Theo kế hoạch, các nước EU sẽ cùng chịu khoản nợ chung nhằm giúp giảm chi phí đi vay cho các nước thành viên yếu hơn.