Phân tích về quan hệ giữa doanh nghiệp Fintech (công ty cung cấp các dịch vụ tài chính trên nền tảng công nghệ mới nhất) và các ngân hàng truyền thống trong một chương trình tọa đàm mới đây của VITV “Đối thoại Fintech Và Ngân Hàng - Hợp Tác Hay Đối Đầu”, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng các công ty Fintech chính là những đơn vị kết nối tài chính, trong đó có cả hoạt động huy động vốn, cho vay hoặc hợp tác với tiệm cầm đồ. Và ở mặt này, có thể nói Fintech đang lấy đi một lượng khách hàng và ảnh hưởng tới lợi nhuận của ngân hàng. Do đó, các ngân hàng rõ ràng đang coi Fintech là đối thủ cạnh tranh.
Làm rõ hơn về điều này, theo một khách mời khác của chương trình, ông Lê Đức Linh, Tổng Giám đốc Cty CP Kết nối Tài chính Việt Nam, thì cạnh tranh khách hàng chính là yếu tố khiến các ngân hàng băn khoăn khi hợp tác với các đơn vị Fintech. Việc có thể sử dụng công nghệ khiến chi phí vận hành của các công ty Fintech giảm, trực tiếp giúp giảm chi phí dịch vụ mà khách hàng phải chi trả.
Vậy ngân hàng truyền thống có nên xem doanh nghiệp Fintech là đối thủ “không đội trời chung”?
Kết nối cùng có lợi
Trên thực tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết, có những ngân hàng đang hợp tác với các công ty Fintech vì Fintech sở hữu những công nghệ hiện đại, có thể tiếp cận hàng triệu người mà ngân hàng không có.
Các ngân hàng chịu sự kiểm soát và quy định của pháp luật rất chặt chẽ, đặc biệt là luật tổ chức tín dụng, điều này tạo thành rào cản khi ngân hàng tiếp cận khách hàng. Nhưng với các doanh nghiệp Fintech, đây lại là điểm mạnh, ông Hiếu cho biết. Nhờ công nghệ, các công ty này có sự tiếp cận rộng lớn cho hoạt động huy động vốn, cho vay và ngay cả những phân khúc mà các ngân hàng không quan tâm đến hoặc không chủ động tiếp cận (những người đi vay nhỏ lẻ) thì các công ty Fintech vẫn có thể tiếp cận. Khi đó, công ty Fintech có thể kết nối với ngân hàng để ngân hàng hỗ trợ thêm về nguồn tài chính.
Từ quan điểm của TS Nguyễn Trí Hiếu, có thể thấy sự bắt tay giữa ngân hàng và các công ty Fintech sẽ bù trừ những khiếm khuyết cho nhau. Ngân hàng có thể ứng dụng ngay các công nghệ hiện đại, không cần bỏ ra quá nhiều chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu và có thể đáp ứng được yêu cầu cao hơn của khách hàng cả về chất lượng, giá cả và độ tin cậy. Còn các công ty Fintech cũng có thể khai thác được mạng lưới khách hàng, dữ liệu và nguồn vốn của ngân hàng để cung cấp sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp Fintech cần dựa trên cơ sở đôi bên cùng có lợi |
Công cụ phát triển tài chính trong giai đoạn mới
Quan trọng hơn, với mảng cung cấp tín dụng và đầu tư, Fintech và ngân hàng truyền thống đang có phân khúc khách hàng không giống nhau. Nếu như ngân hàng thường hướng tới các khoản tín dụng lớn, thời gian dài thì Fintech lại phục vụ chủ yếu cho nhóm khách hàng có thời hạn vay ngắn, khoản vay nhỏ, cần giải ngân nhanh.
Fintech cho phép doanh nghiệp vừa và nhỏ - nhóm đối tượng thường gặp khó khăn khi vay vốn ngân hàng bởi các thủ tục khắt khe - dễ dàng hơn trong việc gọi vốn từ các nguồn đầu tư đa dạng. Tận dụng thế mạnh công nghệ, Fintech có thể đánh giá tín nhiệm, lịch sử vòng vay tín dụng, từ đó thẩm định uy tín bên vay và tiến hành hoạt động giải ngân trong thời gian ngắn hơn so với quy trình ngân hàng truyền thống, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho cả bên vay và bên cho vay.
Như vậy, để mối quan hệ có thể “xuôi chèo mát mái”, ông Hiếu cho rằng các công ty Fintech cần đứng ở chức năng kết nối, không nhảy vào việc huy động vốn, dẫm chân vào hoạt động ngân hàng và trở thành đối đầu.
“Công ty kết nối tài chính cần có đủ khả năng thẩm định, soạn thảo hợp đồng tín dụng chặt chẽ, đúng pháp luật. Điều đó thì giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư và người đi vay cũng vay đúng pháp luật”, vị chuyên gia nói thêm.
Các chuyên gia tham dự tọa đàm mới “Đối thoại Fintech Và Ngân Hàng - Hợp Tác Hay Đối Đầu” |
Đồng thuận với quan điểm của ông Hiếu, ông Chu Tuấn Anh, Giám đốc hệ thống Đào tạo lập trình viên quốc tế Aptech cho rằng, thay vì coi Fintech là đối thủ, nên hiểu Fintech bản chất là công cụ phát triển ngân hàng và tài chính trong giai đoạn mới. Cụ thể, theo ông Tuấn Anh, với những ngân hàng chưa đủ tiềm lực, 2 bên có thể hợp tác để cùng phát triển các nền tảng tài chính – công nghệ đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Về lâu dài, bản thân các ngân hàng cần phải đầu tư để có phát triển nền tảng Fintech của chính mình.
Các doanh nghiệp Fintech đang trở thành một xu hướng mạnh mẽ trên thị trường tài chính. 3 nhóm dịch vụ chủ yếu mà các công ty Fintech đang tập trung mạnh bao gồm: thanh toán, cung cấp tín dụng và tài chính cá nhân. Sự bùng nổ của công nghệ khiến Fintech đã tạo ra bước đột phá, giúp mọi cá nhân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ tài chính một cách thuận tiện với chi phí tối ưu.
Theo nghiên cứu của công ty tư vấn Solidiance, thị trường Việt Nam hiện có khoảng 80 công ty Fintech hoạt động, trong đó phần lớn tập trung vào mảng thanh toán (chiếm gần 60%). Khảo sát của Mc Kinsey tại Việt Nam cũng cho thấy, 50% số người được hỏi cho biết sẵn sàng sử dụng các công nghệ tài chính mới, đặc biệt là thanh toán số.