Ngày 29/6, các nhà lãnh đạo trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), đã cảnh báo về rủi ro ngày càng tăng đối với nền kinh tế toàn cầu và kêu gọi cần có một môi trường thương mại công bằng, tự do.
Trong một biên bản đưa ra vào cuối cuộc họp kéo dài hai ngày tại Osaka của Nhật Bản, các nhà lãnh đạo cho biết tăng trưởng toàn cầu vẫn ở mức thấp và những nguy cơ nghiêng về chiều hướng tiêu cực giữa bối cảnh căng thẳng thương mại và địa chính trị gia tăng.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhấn mạnh các nhà lãnh đạo G20 có nhiều điểm chung, như sự thừa nhận mức độ cần thiết để duy trì động lực tăng trưởng toàn cầu.
Theo ông Abe, G20 đồng ý về các nguyên tắc cơ bản ủng hộ một hệ thống thương mại tự do, đồng thời cam kết hành động mạnh mẽ hơn để cải thiện hệ thống giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Trả lời trong một cuộc họp báo, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho hay dù không có quyết định đột phá nào nhưng tất cả thành viên tham gia hội nghị đã khẳng định tham vọng cải thiện hệ thống thương mại toàn cầu, bao gồm cả tham vọng cải cách WTO.
Một trong những điểm đáng chú ý của hội nghị lần này là việc Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý khởi động lại các cuộc đàm phán thương mại, qua đó làm dấy lên hy vọng rằng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể giải quyết tranh chấp thương mại.
Tuy nhiên, bà Christine Lagarde, Giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, cảnh báo nền kinh tế toàn cầu đã gặp phải khó khăn do xung đột thương mại. Bà kêu gọi các nhà hoạch định chính sách G20 giảm thuế và các trở ngại thương mại khác.
Theo bà, trong khi việc nối lại các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nhận được sự hoan nghênh, các mức áp thuế đã được thực thi vẫn đang kìm hãm kinh tế toàn cầu. Thêm vào đó, các vấn đề chưa được giải quyết mang đến nhiều bất ổn về tương lai.
Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra với sự tham gia của các nguyên thủ/lãnh đạo 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới và tám quốc gia khách mời, cùng với lãnh đạo chín tổ chức quốc tế quan trọng của thế giới như Liên hợp quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).
Các cuộc thảo luận đã tập trung vào các chủ đề như thương mại, kinh tế số, biến đổi khí hậu, phụ nữ, và dân số già..../.