Ngày 4/11, Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đã bế mạc sau hai ngày họp tại Munster, miền Tây nước Đức, với tuyên bố chung kêu gọi chấm dứt ngay lập tức cuộc xung đột tại Ukraine, nhất trí thiết lập một cơ chế điều phối trong G7 nhằm giúp quốc gia Đông Âu này khôi phục và bảo vệ những cơ sở hạ tầng quan trọng, qua đó giúp ổn định cuộc sống của người dân trong mùa Đông này. G7 cũng kêu gọi Nga gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen do Liên hợp quốc đóng vai trò trung gian và ký kết hồi tháng 7 vừa qua.
Đại diện các nước trong G7 đã thảo luận nhiều vấn đề, trong đó tình hình xung đột tại Ukraine là chủ đề trọng tâm trong chương trình nghị sự. Các quan chức đều nhất trí cho rằng cần phải gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen. G7 đánh giá cao nỗ lực của Liên hợp quốc trong việc thuyết phục Nga gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen.
Trong tuyên bố chung, ngoài việc cam kết đưa ra “gói viện trợ mùa Đông” cho Ukraine, gồm máy phát điện, máy sưởi, nhà tạm, giường và một số nhu yếu phẩm khác, G7 nhất trí thiết lập một cơ chế điều phối trong nhóm để giúp Ukraine sửa chữa, khôi phục và bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng như nước và năng lượng. Các nước thành viên khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp trong khuôn khổ G7 và bên ngoài giúp giảm thiểu những hậu quả từ xung đột nhằm ổn định kinh tế toàn cầu cũng như an ninh về lương thực và năng lượng.
Trước đó cùng ngày, G7 và Australia đã nhất trí thiết lập một mức giá cố định sau khi đạt đồng thuận về chính sách áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga. Theo nguồn tin từ G7, nhóm này đã nhất trí về mức giá trần cố định và sẽ theo dõi thường xuyên để điều chỉnh khi cần thiết, qua đó góp phần nâng cao sự ổn định của thị trường.
Đầu tháng 9 vừa qua, G7 đã nhất trí áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga, theo đó dầu thô bị áp giá trần từ ngày 5/12/2022, còn các sản phẩm dầu mỏ bị áp giá trần từ ngày 5/2/2023. Việc áp giá trần sẽ được triển khai cùng với các biện pháp liên quan trong gói trừng phạt thứ 6 của Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga nhằm hạn chế nguồn tài chính của Moskva.