Phát biểu trong cuộc phỏng vấn hôm qua với kênh truyền hình Đức ARD, Thủ tướng Angela Merkel cho biết: "Với quan điểm hiện tại của chúng tôi, việc Nga quay trở lại là phi thực tế".
Tất cả thành viên trong Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đều nhất trí với quyết định này.
Lãnh đạo các nước G7 nhóm họp ở Đức ngày 7/6/2015 |
Bà Merkel nhấn mạnh G7 tiếp tục duy trì những lệnh trừng phạt Nga, do Moscow vẫn tiếp tục ủng hộ phe ly khai ở miền đông Ukraine.
"Lệnh trừng phạt có thể thu hồi khi không còn điều kiện tiên quyết, từng là lý do để áp đặt chúng, và các vấn đề được giải quyết", đài ZDF của Đức dẫn lời bà Merkel nói.
Trước đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk chỉ trích Nga vì vi phạm những giá trị thành viên G7 tôn trọng.
"Tất cả chúng tôi đều muốn Nga tham gia hội nghị G7... Nhưng nhóm này không chỉ (chia sẻ) những lợi ích về chính trị hay kinh tế, trên hết nó là một cộng đồng các giá trị. Và đó là lý do tại sao Nga hôm nay không có mặt tại đây", ông Tusk nói, đồng thời ủng hộ tăng cường trừng phạt Moscow.
Để đáp trả lại, Nga cũng tỏ ra không “mặn mà” lắm với dư luận xung quanh câu chuyện “tẩy chay” này. Thay vào đó, Moscow tích cực hơn với các liên kết khác ngoài G7.
Trong một phát biểu gần đây, Chủ tịch Ủy ban Duma Nga về các vấn đề quốc tế, ông Alexei Pushkov, tuyên bố G7 không phải là một cái gì đó hấp dẫn khiến Moscow phải thay đổi quan điểm về vấn đề Ukraine và các vấn đề quốc tế.
Hiện tại, Nga tỏ ra hứng thú với việc tham gia các liên kết mới nổi, và đang chứng minh với G7 rằng có nhiều sân chơi sẵn sàng tiếp đón Moscow hơn là sự bảo thủ của khối các nước công nghiệp.
Cụ thể, Nga đang tích cực thúc đẩy phát triển khối các nước đang phát triển BRICs, tham gia vào hệ thống ngân hàng thế giới mới AIIB do Trung Quốc thành lập hay dẫn đầu Liên minh kinh tế Á – Âu có sức ảnh hưởng tới các quốc gia châu Á và các nước thuộc Liên Xô cũ.
Thủ tướng Canada Stephen Harper nói chuyện thân tình với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong Hội nghị thượng đỉnh G8 năm 2013 |
Nói về khả năng quay lại G8, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov tuyên bố, "Nhóm 8" chỉ đơn giản là một câu lạc bộ, nơi tập hợp lãnh đạo các các nước lớn để thảo luận những vấn đề cùng quan tâm, chứ "không phải là một cấu trúc chính thức, có quyền kết nạp và khai trừ thành viên”.
Thậm chí, ông Putin còn không buồn thảo luận đề tài Nga quay trở lại G8 trong các cuộc hội đàm với bà Angela Merkel hôm 10/5, trong khuôn khổ chuyến thăm Moscow của vị nữ Thủ tướng Đức- Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov cho biết.
Rõ ràng, Nga là chìa khóa chính giải quyết xung đột căng thẳng hiện nay ở Ukraine. Đẩy Nga ra khỏi khối G8 chính là cắt đứt mối dây ràng buộc giữa các nước thành viên trong việc thúc đẩy Moscow tác động đến tình hình ở Ukraine.
Anh Phương (TH)
>>> Xem thêm:
- Ngắm dàn vũ khí 'siêu khủng' tạo nên sức mạnh quân đội Nga
- 'Hải quân Việt Nam như 'Hổ mọc thêm cánh' khi mua tàu của Nga'