Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết đến ngày 5/12 các ca bệnh Zika tập trung nhiều tại quận Bình Thạnh với 20 trường hợp, quận 2 với 15 ca, quận 12 có 10 người. Tiếp đó là Tân Phú (9), quận 9, Thủ Đức (7), quận 1, Tân Bình (4), Hóc Môn, Phú Nhuận (3), quận 4, 5, 10, Gò Vấp, Củ Chi, Cần Giờ, Bình Tân (2). Các quận 7, Bình Chánh mỗi nơi một bệnh nhân.
Tính đến ngày 5/12, cả nước có 108 trường hợp nhiễm virus Zika, trong đó nhiều nhất là ở TP.HCM. Đăk Lăk và Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu mỗi nơi 2 bệnh nhân. Các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Long An, Đồng Nai mỗi nơi một ca. Một em bé 4 tháng tuổi ở Đăk Lăk được ghi nhận là em bé Việt Nam đầu tiên mắc dị tật đầu nhỏ do mẹ nhiễm virus Zika trong thai kỳ.
Ngành y tế TP.HCM đang tăng cường điều tra dịch tễ, phun xịt hóa chất diệt muỗi trên diện rộng, vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, tuyên truyền người dân chung tay phòng dịch. Bên cạnh biện pháp phun sương lạnh phổ biến, thành phố vừa thí điểm phun mù nhiệt theo công nghệ Singapore với hạt thuốc nhẹ lơ lửng trong không khí lâu hơn, có thể diệt cả muỗi đang bay.
Nhân viên y tế sử dụng kỹ thuật mới phun hơi nóng diệt muỗi phòng chống bệnh do virus Zika tại ký túc xá đại học ở TP.HCM. |
Bệnh do virus Zika thường có biểu hiện lâm sàng nhẹ, có thể gây hậu quả trầm trọng nếu nhiễm bệnh trong những tháng đầu thai kỳ vì nguy cơ gây dị tật đầu nhỏ cho thai nhi. Cần chủ động phòng tránh muỗi đốt, sinh hoạt tình dục an toàn, sử dụng bao cao su để tránh lây truyền virus Zika qua đường tình dục.
Người xuất hiện triệu chứng nghi ngờ có thể đến 30 bệnh viện tại TP.HCM và các cơ sở y tế trên cả nước để lấy máu xét nghiệm miễn phí. Dấu hiệu nghi ngờ bệnh là có phát ban và ít nhất hai trong 4 triệu chứng gồm sốt dưới 38 độ, viêm kết mạc hoặc xung huyết kết mạc, đau khớp hoặc phù quanh khớp, đau cơ.