Theo báo Dagens Nyheter (DN), ông Anders Wallinder - người đứng đầu bộ phận an ninh nguồn cung của Cơ quan Năng lượng Thụy Điển cho biết giá năng lượng vào mùa Đông năm sau có thể còn vượt mức giá cao bất thường ghi nhận năm nay.
Nguồn cung khí đốt Nga đến châu Âu giảm đã đẩy giá khí đốt tại châu lục này tăng gần 400% trong năm qua. Trước cuộc xung đột Nga -Ukraine, 40% lượng khí đốt tự nhiên tiêu thụ ở châu Âu được nhập khẩu từ Nga, song châu lục này đang tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc này.
Do đó, trước mùa Đông năm 2023/2024, nguồn cung năng lượng châu Âu sẽ phụ thuộc vào các chuyến hàng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ và Trung Đông. Theo DN, bên cạnh việc giá LNG sẽ cao hơn đáng kể so với khí đốt tự nhiên, các nước châu Âu còn đối mặt với những thách thức thực tế khác, chẳng hạn như việc hệ thống hiện tại chủ yếu dựa vào nhập khẩu từ phía Đông phải được thay thế để phục vụ cho các chuyến hàng đến từ hướng khác. Ông Wallinder cho biết vấn đề này sẽ được giải quyết, song không có nghĩa là không gây trở ngại nào.
Theo Cơ quan Năng lượng Thụy Điển, không giống như nhiều quốc gia châu Âu khác, Thụy Điển không phụ thuộc quá nhiều vào khí đốt khi khí đốt tự nhiên chỉ chiếm 3% tổng năng lượng được sử dụng. Tuy nhiên, do lưới điện của Thụy Điển được kết nối với phần còn lại của châu lục nên quốc gia này cũng chịu ảnh hưởng do giá năng lượng tăng cao, đặc biệt là các khu vực phía Nam của đất nước.
Theo cơ quan thống kê Thụy Điển, chỉ riêng trong tháng 8, giá điện năng ở nước này đã tăng 29%. Chi phí năng lượng tăng vọt cũng dẫn đến khủng hoảng chi phí sinh hoạt, với giá thực phẩm tăng trong 9 tháng liên tiếp và lạm phát liên tục lập kỷ lục mới. Thuỵ Điển đã đề xuất một số biện pháp để đối phó với giá điện leo thang, như giảm nhiệt độ trong các hồ bơi, phòng tập thể dục, đồng thời đóng cửa các phòng xông hơi, sân trượt băng và các trung tâm giải trí tiêu tốn nhiều năng lượng khác.