Chỉ trong vòng một tuần gần đây, giá lợn đã tăng vọt. Mức giá lợn hơi bán xuất chuồng nhảy vọt từ mức chỉ khoảng 22.000 -23.000đồng/kg lên khoảng 36.000 đồng/kg, thậm chí lợn "đẹp" còn có giá trên 40.000 đồng/kg.
Cục Chăn nuôi thông tin hiện giá lợn hơi bình quân lợn tiêu chuẩn siêu nạc loại 80-110 kg/con đã ở mức từ 35.000 - 38.000 đồng/kg, có nơi đã cán mốc 40.000 đồng/kg.
Nhiều người chăn nuôi cũng nhận định, trong những ngày tới, có khả năng giá thịt lợn hơi sẽ còn tăng mạnh vì theo kinh nghiệm thì sau mỗi đợt khủng hoảng giá thấp thì giá thường lên cao đột biến. Lý do là do khi giá giảm, người nuôi không mặn mà dẫn tới nguồn cung ít đi.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho biết hiện nay lượng lợn trong dân không còn dồi dào như trước, trong khi nhiều người dân cũng đã cạn vốn để tái đàn vì thế dẫn đến nguồn cung khan hiếm nên đẩy giá lên cao.
Ông Đoán cũng khuyến cáo thêm, mặc dù giá lợn đang có xu hướng tăng, nhưng người dân nên cân nhắc việc tái đàn vào thời điểm này để tránh rơi vào “vết xe đổ” khủng hoảng thừa đợt vừa rồi.
Còn ông Đoàn Xuân Trúc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội chăn nuôi Việt Nam cũng cho rằng, hiện nay giá lợn đang tăng trưởng khá đột biến và chưa ổn định một phần do nguồn cung khan hiếm, một phần có thông tin phía Trung Quốc đang thu mua lợn do bị ảnh hưởng thiên tai.
“Tuy nhiên, tránh việc đầu tư ồ ạt nuôi, người chăn nuôi nên áp dụng nuôi đan xen các lứa để tránh xuất chuồng cùng lúc và nên có kế hoạch ‘đầu ra’ rồi bắt tay vào nuôi lứa mới,” ông Trúc nói.
Trong khi đó, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương nhận định việc thị trường thị lợn đang tốt dần lên là kết quả của nỗ lực "giải cứu" thịt heo từ các Bộ, ngành, người dân, do giảm đàn nuôi và tăng tiêu thụ trong nước.
Tuy nhiên, không nên quá lạc quan bởi những tín hiệu tích cực của thị trường thịt lợn đang chỉ mang tính thời điểm, chưa ổn định. "Chúng ta đừng vội mừng, không vội tăng đàn, tăng quy mô chăn nuôi, phải hết sức bình tĩnh", ông Dương đánh giá.
Thay vào đó, lãnh đạo Cục Chăn nuôi lưu ý trong thời gian qua, giá lợn xuống thấp nên người nuôi buông lỏng chăn sóc đàn lợn, buông lỏng tiêm vaccine phòng bệnh nên sức khỏe lợn hiện nay không được tốt. Vì vậy bà con cần tập trung tăng cường khâu kiểm soát dịch bệnh, nhất là sử dụng đầy đủ các loại vaccine, tiêu độc, khử trùng chuồng trại.
Còn tại hội nghị sơ kết ngành nông nghiệp mới đây, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết theo tính toán, mỗi năm cả nước sử dụng khoảng 4,75 triệu tấn thịt các loại, trong khi đó dự báo năm 2017, sản lượng thịt có thể đạt trên 5,5 triệu tấn, vì vậy từ nay đến cuối năm, vẫn còn khả năng xẩy ra vấn đề dư thừa đối với một số sản phẩm chăn nuôi.
Cục sẽ đánh giá lại tình hình triển khai tái cơ cấu ngành chăn nuôi trong thời gian qua để có những điều chỉnh cho phù hợp. Ví dụ như đối với chăn nuôi lợn, đề án tái cơ cấu trước đây đặt mục tiêu 32-34 triệu con lợn. Tuy nhiên đến nay, chúng ta mới chỉ đạt 27 triệu con nhưng đã cho sản lượng vượt nhu cầu.
Bên cạnh đó, Cục Chăn nuôi sẽ có tổng hợp lại 3 khu vực chăn nuôi, gồm khu vực của các doanh nghiệp có vốn FDI, khu vực trang trại và khu vực nông hộ để có những đánh giá, nhận định chính thức về tình hình và có các dự báo dài hạn nhằm khuyến cáo cho UBND và Sở NNPTNT các tỉnh.
Hiện Cục Chăn nuôi đang phối hợp với một số đơn vị để xây dựng phần mềm dự báo thị trường cho một số sản phẩm chăn nuôi mang tính chất tương đối chính xác để có những dự báo chính thức trong từng thời điểm nhằm có thông tin cho người chăn nuôi đưa ra quyết định phù hợp trong sản xuất.
Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải xem việc thịt lợn tăng giá là "tín hiệu tốt cho người chăn nuôi cả nước sau hơn 3 tháng chật vật đối mặt với đợt rớt giá sâu".
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại diễn biến tăng giá diễn ra nhanh trong vòng vài ngày cũng được nhà chức trách lưu ý cần xem xét thận trọng, là "tín hiệu có tốt nhưng bền vững hay không". Bởi, hiện Trung Quốc nhập thịt heo từ Việt Nam chủ yếu qua đường tiểu ngạch, chứ không phải chính ngạch. Nếu chỉ trông chờ vào thị trường này sẽ rủi ro.
"Cần xem xét một cách thận trọng tín hiệu đó có bền vững hay không. Nếu tăng đàn nhanh chóng có thể dẫn tới nguồn cung dư thừa, tiếp tục quay lại thực tế giải cứu heo như hiện tại", Thứ trưởng Công Thương nói.