Giải thưởng Trần Văn Giàu lần thứ 12 trị giá 150 triệu đồng

(Ngày Nay) - Sáng 28-9, Ủy ban Giải thưởng Trần Văn Giàu tổ chức trao Giải thưởng lần thứ 12 - 2024 cho tác phẩm “Đô thị Sài Gòn-Chợ Lớn trước năm 1945 qua tài liệu lưu trữ” của hai tác giả Võ Nguyên Phong và Cù Thị Dung do Cục văn thư và lưu trữ Nhà nước - Trung tâm lưu trữ quốc gia II đề cử xét giải.
Ông Phan Văn Mãi (bìa phải), Chủ tịch UBND TPHCM và GS.TS Ngô Văn Lệ, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban Giải thưởng Trần Văn Giàu trao giải thưởng và tặng hoa chúc mừng hai tác giả đoạt giải
Ông Phan Văn Mãi (bìa phải), Chủ tịch UBND TPHCM và GS.TS Ngô Văn Lệ, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban Giải thưởng Trần Văn Giàu trao giải thưởng và tặng hoa chúc mừng hai tác giả đoạt giải

Năm nay, tác phẩm “Đô thị Sài Gòn-Chợ Lớn trước năm 1945 qua tài liệu lưu trữ” đã mang về cho hai tác giả Võ Nguyên Phong và Cù Thị Dung ngoài vinh dự còn là giải thưởng trị giá 150 triệu đồng.

“Đô thị Sài Gòn-Chợ Lớn trước năm 1945 qua tài liệu lưu trữ” là công trình nghiên cứu lịch sử, được NXB Tổng Hợp TPHCM ấn hành năm 2023, có độ dày 552 trang, được bố cục thành 2 phần với 4 chương.

Căn cứ vào những tài liệu lưu trữ, hai tác giả Võ Nguyên Phong và Cù Thị Dung lần đầu tiên được giới thiệu đến công chúng về lịch sử vùng đất Sài Gòn - Gia Định từ khi Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lý, thiết lập chủ quyền của Đàng Trong tại vùng đất phía nam (năm 1698) cho đến năm 1945; và các chương trình quy hoạch phát triển thành phố, cùng với các công trình kiến trúc tiêu biểu do người Pháp xây dựng tại đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn hơn một thế kỷ trước.

Giải thưởng Trần Văn Giàu lần thứ 12 trị giá 150 triệu đồng ảnh 1

Hai tác giả Võ Nguyên Phong - Cù Thị Dung và tác phẩm “Đô thị Sài Gòn-Chợ Lớn trước năm 1945 qua tài liệu lưu trữ” nhận Giải thưởng Trần Văn Giàu lần thứ 12

Theo đánh giá của Ủy ban Giải thưởng Trần Văn Giàu, “Đô thị Sài Gòn-Chợ Lớn trước năm 1945 qua tài liệu lưu trữ” là một công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc; cung cấp nhiều tài liệu có giá trị tham khảo cao, nhất là nguồn tài liệu lưu trữ, cho tất cả những ai quan tâm đến việc thu thập tri thức và thông tin đáng tin cậy về lịch sử vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn trước năm 1945, nhất là dưới thời Pháp thuộc.

Dựa trên các tiêu chí để xét trao Giải thưởng Trần Văn Giàu, “Đô thị Sài Gòn-Chợ Lớn trước năm 1945 qua tài liệu lưu trữ" tuy chưa có được dung lượng đồ sộ như các công trình được trao giải gần đây; đồng thời, không thể tránh khỏi một số hạn chế và thiếu sót; nhưng để khuyến khích nỗ lực nghiên cứu của các tác giả trẻ, mặt khác để góp phần giới thiệu và phát huy giá trị nguồn tài liệu lưu trữ phục vụ nghiên cứu, Ủy ban Giải thưởng quyết định trao Giải thưởng Trần Văn Giàu lần thứ 12 - 2024 cho tác phẩm này.

Tham dự và phát biểu tại Lễ trao giải, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi mong muốn Giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu sẽ mở rộng địa bàn nhằm giới thiệu Giải thưởng đến các tổ chức, nhà nghiên cứu trên phạm vi cả nước có công trình nghiên cứu về Nam Bộ trên lĩnh vực lịch sử, tư tưởng- tôn giáo- tín ngưỡng, qua đó tìm được những công trình nghiên cứu có giá trị tham gia đăng ký xét giải cho các năm tới.

Ngoài ra, Ủy ban Giải thưởng Trần Văn Giàu cùng các ban ngành có liên quan cần tìm ra cách thức làm sao để các công trình nghiên cứu về Nam bộ, Sài Gòn - TPHCM, trong đó có các công trình nhận giải Trần Văn Giàu tiếp tục phát huy giá trị trong hoạch định chiến lược xây dựng, phát triển thành phố, trong hoạt động kinh tế - văn hóa - xã hội ở TPHCM và vùng Nam Bộ.

Giải thưởng Trần Văn Giàu lần thứ 12 trị giá 150 triệu đồng ảnh 2

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư chúc mừng hai nhà nghiên cứu trẻ Võ Nguyên Phong và Cù Thị Dung

Giải thưởng Trần Văn Giàu được thành năm 2002, từ tâm nguyện của giáo sư Trần Văn Giàu về việc thành lập một giải thưởng khoa học dành cho các công trình nghiên cứu ở hai hạng mục: “Lịch sử” và “Lịch sử tư tưởng” ở khu vực Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ và TPHCM. Tiền thưởng được trao dựa trên số tiền lãi mỗi năm của 1.000 lượng vàng gửi ngân hàng từ việc bán ngôi nhà của giáo sư Trần Văn Giàu để lập Giải thưởng này. Chủ tịch đầu tiên của Ủy ban Giải thưởng Trần Văn Giàu là nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng.

Sau 22 năm, Giải thưởng Trần Văn Giàu đã trao cho 12 tác phẩm nghiên cứu về “Lịch sử” ở khu vực Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ và TPHCM, vì có những năm Giải thưởng này không tìm ra tác phẩm đạt các tiêu chí để trao giải. Đáng tiếc là, hạng mục “Lịch sử tư tưởng” đến nay vẫn chưa có tác phẩm nào nhận giải như tâm nguyện của giáo sư Trần Văn Giàu lúc sinh thời.

Năm 2023, tác phẩm “Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh dặm dài lịch sử (1698-2020)” của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư đã nhận được Giải thưởng Trần Văn Giàu lần thứ 11, cụ Nguyễn Đình Tư năm nay 104 tuổi.

TIN LIÊN QUAN
Phó Thủ tướng Lê Thành Long: Thực hiện hiệu quả các chính sách bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi
Phó Thủ tướng Lê Thành Long: Thực hiện hiệu quả các chính sách bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi
(Ngày Nay) - Ngày 28/9, Hội Người cao tuổi Việt Nam và tỉnh Hải Dương đã phối hợp tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2024. Tới dự có Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam Lê Thành Long.
Tăng tốc chuyển đổi các thuê bao 2G cuối cùng trước ngày tắt sóng
Tăng tốc chuyển đổi các thuê bao 2G cuối cùng trước ngày tắt sóng
(Ngày Nay) - Từ đầu năm 2024 đến nay, Viettel đã hỗ trợ chuyển đổi hơn 8 triệu thuê bao lên thiết bị 4G trên cả nước. Hiện tại, trên toàn mạng Viettel còn khoảng 500.000 thuê bao sử dụng máy 2G. Dự kiến, Viettel sẽ hoàn thành xong việc chuyển đổi cho số lượng khách hàng này trước ngày 15/10 – thời điểm tắt sóng 2G.