“Lâm thẹo” ngẫu hứng miền sông nước

(Ngày Nay) - Cuối năm ngoái, họa sĩ Bùi Quang Lâm đã dự định làm triển lãm cá nhân. Anh em văn nghệ khuyên “Lâm thẹo” nên làm ở Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM để “lấy số” vì bảo tàng là thánh đường của mỹ thuật hoặc chọn thời điểm khác vì kinh tế đang xuống khó có người mua tranh.
“Lâm thẹo” ngẫu hứng miền sông nước ảnh 1

Họa sĩ Bùi Quang Lâm tại không gian làm việc của anh.

“Lâm thẹo” lắng nghe mọi lời góp ý rất thành tâm nhưng kẹt nỗi khi ngẫu hứng lên anh lại quên mất. Lúc 9 giờ sáng 28-9, tại 81 Trần Quốc Thảo, quận 3, TPHCM, 80 họa phẩm sẽ được họa sĩ Bùi Quang Lâm trưng bày với tên gọi “Miền sông nước”. Ngẫu hứng hơn triển lãm chỉ diễn ra 3 ngày và “Lâm thẹo” còn hạ quyết tâm bán tranh lấy tiền nhằm góp phần giúp đồng bào bị bão lụt vừa qua ở miền Bắc.

Giới nghệ sĩ ở TPHCM thường gọi họa sĩ Bùi Quang Lâm bằng cái tên thân mật “Lâm thẹo”. Nhìn gương mặt thẹo thọ và mái tóc dài của anh, nhiều người càng dễ lầm tưởng anh thuộc giới anh chị giang hồ, du đãng hơn là một họa sĩ thiện lành.

Nếu “Lâm thẹo” tự giới thiệu vài câu: “Tui tên Lâm, sinh ra và lớn lên ở quận Tư”, thì lại càng khiến người nói chuyện phải e dè. Bởi quận Tư ở Sài Gòn nổi tiếng là “đất lành” của “anh em xã hội”. Thế nhưng, chỉ cần nói chuyện với “Lâm thẹo” chừng 30 giây, sẽ nhận ra đây là một nghệ sĩ hiền lành được bủa quanh rất nhiều tình bạn dẫu trong sâu thẳm “Lâm thẹo” là sự cô đơn.

“Lâm thẹo” ngẫu hứng miền sông nước ảnh 2

Họa sĩ Bùi Quang Lâm

“Lâm thẹo” rất nghệ sĩ tính, mà nghệ sĩ thì luôn ngẫu hứng bất chợt. Những năm sau đổi mới, báo chí khá thông thoáng, một ngày đẹp trời “Lâm thẹo” bán nhà lấy tiền để nhận thầu làm một tờ tạp chí ở tỉnh lân cận Sài Gòn, dù chuyên môn nghề nghiệp của Lâm là vẽ tranh.

Lần triển lãm này cũng như khoảng chục lần triển lãm trước đây, “Lâm thẹo” lại ngẫu hứng là treo tranh lên. Treo tranh để lấy cớ tụ tập bè bạn uống với nhau ly rượu bia là chính, còn việc bán tranh được hay không hạ hồi phân giải.

Hơn nửa năm nay, “Lâm thẹo” ngẫu hứng vẽ… thơ. Anh xin những bài thơ tâm đắc của bạn bè về đọc, suy ngẫm, cảm thấu, để chuyển những bài thơ đó thành những bức tranh rồi tặng tranh cho chính các tác giả thơ. Nếu “Lâm thẹo” vẽ tranh tặng các chủ doanh nghiệp thì may ra anh còn được các ông bà chủ tặng lại cái bì thư chứa hiện kim bên trong, còn tặng tranh các nhà thơ đa số nghèo thì chỉ nhận lại nụ cười hoan hỉ từ họ.

“Lâm thẹo” ngẫu hứng miền sông nước ảnh 3
Các tác phẩm của họa sĩ Bùi Quang Lâm trong triển lãm “Miền sông nước”, giá mỗi bức tranh ở các mức: 4 triệu, 6 triệu và cao nhất là 16 triệu đồng, giá tranh này khá thấp so với tranh của nhiều họa sĩ ở các cuộc triển lãm khác.

Trước khi vẽ… thơ, “Lâm thẹo” còn vẽ… nhạc. Không phải là vẽ 7 nốt nhạc mà anh nghe bài hát xong vẽ lại thành tranh. Đổi lại nhạc sĩ mời “Lâm thẹo” ra quán nhậu cảm ơn bằng rượu bia say tít mù.

“Lâm thẹo” giàu lắm mới bỏ tiền mua vật liệu để vẽ thơ, vẽ nhạc như vậy? Đúng là “Lâm thẹo” rất giàu nhưng là giàu tình cảm đối với bè bạn là những nhà thơ, nhạc sĩ chơi với anh. Còn bạc tiền thì như những cơn mưa Sài Gòn bất chợt ào xuống rồi tan biến.

Thời điểm khó khăn nhất, “Lâm thẹo” đi vẽ pano quảng cáo ngoài trời với thù lao năm mươi ngàn đồng một ngày. Nhưng “Lâm thẹo” kiếm được trăm rưỡi vì làm việc gấp ba người khác. Lý do, thời gian đó anh rất cần tiền để nuôi đứa cháu ruột vừa lọt lòng được hơn tháng thì mẹ cháu qua đời. “Lâm thẹo” treo mình ngoài trời ở những điều kiện khó khăn nhất anh cũng nhận lời.

“Lâm thẹo” ngẫu hứng miền sông nước ảnh 4
Tác phẩm của họa sĩ Bùi Quang Lâm trong triển lãm “Miền sông nước”.

Trong giới “bầu show” vẽ pano quảng cáo ngoài trời, có một người tên H thường chạy xe vespa cổ, cứ gặp chỗ nào những người vẽ pano khác chê vì nguy hiểm, lập tức H đi tìm Lâm. Họa sĩ Bùi Quang Lâm, kể: “Sáng sớm đang ngồi trong nhà mà nghe tiếng xe vespa của H đến, tui tự nói với mình: Thần chết đến gõ cửa”. “Lâm thẹo” đã 3 lần bị tai nạn rơi từ trên cao xuống khi mưu sinh bằng nghề này nhưng thật may mắn khi thần chết chối từ nhận “Lâm thẹo” về… đội của mình.

Không chỉ bấy giờ thần chết từ chối “Lâm thẹo”. Tuổi đôi mươi thần chết cũng đã chối từ Bùi Quang Lâm ở chiến trường Campuchia. Thần chết chỉ lưu lại trên mặt anh dấu vết đạn bom để sau này bè bạn thân quen gọi tên “Lâm thẹo”.

“Lâm thẹo” ngẫu hứng miền sông nước ảnh 5
Tác phẩm của họa sĩ Bùi Quang Lâm trong triển lãm “Miền sông nước”.

Một ngày đẹp trời “Lâm thẹo” lại ngẫu hứng viết văn. Viết tiểu thuyết đàng hoàng, in thành sách có tên “Đất K”. Cuốn này có bóng dáng tự truyện của Bùi Quang Lâm ở chiến trường Campuchia.

Cũng lại một ngày đẹp trời, “Lâm thẹo” ngẫu hứng rủ đồng đội từng kề vai sinh tử ở “đất K” và bạn bè văn nghệ ra nhà hàng chiêu đãi. Lý do “Đất K” được Hội Nhà văn TPHCM trao Giải thưởng Văn học năm 2020.

Sau “Đất K”, “Lâm thẹo” lại viết tiếp “Nồi đất”. Nhà văn Đoàn Thạch Biền, nhận xét: “Bùi Quang Lâm càng viết càng lên tay”. Còn nhà văn Trầm Hương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, thì: “Tôi đọc và kinh ngạc vì trữ lượng phong phú, sinh động trong “Nồi đất”. Dù trước đó có nghi ngờ vốn sống của Bùi Quang Lâm đã trút hết trong “Đất K”.

“Lâm thẹo” ngẫu hứng miền sông nước ảnh 6
Tác phẩm của họa sĩ Bùi Quang Lâm trong triển lãm “Miền sông nước”.

Bè bạn văn nghệ rất thích ngồi nhậu với “Lâm thẹo” vì anh ít nói. Giới văn chương thơ phú rượu vào là lời ra tràn ngập, gặp được người ít nói chỉ gật gù lắng nghe như “Lâm thẹo” khác nào vớ được tri kỷ. Nhưng có lẽ, “Lâm thẹo” đã nói rất nhiều qua tranh, qua văn của mình rồi nên đi nhậu với bạn anh chỉ gật gù mà không cần nói gì thêm.

Ngẫu hứng triển lãm “Miền sông nước” lần này của “Lâm thẹo” rất mong có nhiều người cũng ngẫu hứng mua tranh, chí ít là sự ngẫu hứng đó cũng góp thêm chút kinh phí để “Lâm thẹo” góp phần “nghệ thuật vị nhân sinh” với đồng bào đang gặp thiên tại hoạn nạn.

“Lâm thẹo” ngẫu hứng miền sông nước ảnh 7
Tác phẩm của họa sĩ Bùi Quang Lâm trong triển lãm “Miền sông nước”.

Họa sĩ Bùi Quang Lâm sinh năm 1960 tại Quận 4, Sài Gòn. Lớn lên trong môi trường sản sinh ra nhiều giang hồ, du đãng cộm cán như thế, nhưng anh chưa hề vác dao đi chém người khác. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ người lính ở chiến trường K, anh về học khoa Văn - Đại học Tổng hợp TPHCM. Về hội họa, Bùi Quang Lâm có năng khiếu từ nhỏ. Thời học tiểu học, anh từng đoạt giải hội họa do Osaka (Nhật) tài trợ. Sau này, anh học vẽ từ họa sĩ Trần Thanh Vân - giảng viên ĐH Mỹ thuật TPHCM. Ngoài ra, anh rất chịu khó tự học vẽ, học kiến thức từ sách, báo. “Lâm thẹo” nói: “Tui đã ăn cắp không biết bao nhiêu học phí từ những người thầy đã dạy tôi trên sách, báo nhưng chưa biết cách gì để trả lại”.

TIN LIÊN QUAN
Tăng tốc chuyển đổi các thuê bao 2G cuối cùng trước ngày tắt sóng
Tăng tốc chuyển đổi các thuê bao 2G cuối cùng trước ngày tắt sóng
(Ngày Nay) - Từ đầu năm 2024 đến nay, Viettel đã hỗ trợ chuyển đổi hơn 8 triệu thuê bao lên thiết bị 4G trên cả nước. Hiện tại, trên toàn mạng Viettel còn khoảng 500.000 thuê bao sử dụng máy 2G. Dự kiến, Viettel sẽ hoàn thành xong việc chuyển đổi cho số lượng khách hàng này trước ngày 15/10 – thời điểm tắt sóng 2G.
Việt Nam tin tưởng vào quá trình hợp tác với WIPO
Việt Nam tin tưởng vào quá trình hợp tác với WIPO
(Ngày Nay) -  Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) ngày 26/9 đã tổ chức lễ công bố báo cáo về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index - GII) năm 2024.
Những kẻ lừa đảo chỉ cần 3 giây để sao chép giọng nói bằng AI
Những kẻ lừa đảo chỉ cần 3 giây để sao chép giọng nói bằng AI
(Ngày Nay) -  Ngân hàng trực tuyến Starling Bank của Anh vừa cho biết hàng triệu người có thể bị lừa bởi những kẻ sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để sao chép giọng nói. Ngân hàng này cảnh báo rằng chỉ cần 3 giây âm thanh từ một video đăng trên mạng xã hội, kẻ gian có thể dùng AI để tạo ra bản sao giọng nói của nạn nhân. Sau đó, chúng tiếp cận bạn bè và người thân của họ để thực hiện các cuộc gọi lừa đảo, yêu cầu chuyển tiền bằng giọng nói đã được sao chép.