Gìn giữ nét văn hóa độc đáo của người Hà Nhì

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Là một trong 19 cộng đồng dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Điện Biên, cộng đồng dân tộc Hà Nhì (gồm 2 ngành Hà Nhì Lạ Mí và Hà Nhì Cồ Chồ) sinh sống chủ yếu, tập trung tại hơn 20 bản thuộc 4 xã Sín Thầu, Chung Chải, Sen Thượng, Leng Su Sìn của huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) - vùng cực Tây Tổ quốc.
Người dân chuẩn bị đồ lễ cúng. Ảnh tư liệu: Phan Tuấn Anh/TTXVN
Người dân chuẩn bị đồ lễ cúng. Ảnh tư liệu: Phan Tuấn Anh/TTXVN

Thuộc cư dân, chủ thể đầu tiên đặt chân sinh sống trên vùng đất cực Tây Tổ quốc, trong quá trình định cư, lập bản, người Hà Nhì ở Mường Nhé đã tạo lập, gìn giữ, bảo lưu được những nét văn hóa truyền thống độc đáo, mang tính nhận diện văn hóa rất đậm nét.

Về vùng cực Tây Tổ quốc thời gian này, du khách sẽ được hòa mình vào không gian văn hóa phong phú, đa dạng và đặc trưng của cộng đồng dân tộc Hà Nhì qua lễ Gạ Ma Thú (Lễ cúng bản). Đây là nghi lễ lớn, quan trọng trong năm của cộng đồng người Hà Nhì, được tổ chức vào những ngày con hổ (Khà là), con trâu (Nhù no), con dê (Gió no) của tháng 2 âm lịch hằng năm. Năm nay, người Hà Nhì tổ chức lễ Gạ Ma Thú trong 3 ngày, từ ngày 27/3.

Lễ Gạ Ma Thú nhằm hướng về cội nguồn, tri ân các thế hệ cha ông, tiên tổ đã có công tạo lập, bảo vệ bản làng, tạ ơn trời đất, các đấng siêu nhiên đã phù hộ cho dân bản mạnh khỏe, vạn vật sinh sôi, phát triển và cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình ấm no, hạnh phúc, bản làng đoàn kết.

Gìn giữ nét văn hóa độc đáo của người Hà Nhì ảnh 1

Chuẩn bị mâm cúng của các hộ dân cộng đồng dân tộc Hà Nhì. Ảnh tư liệu: Phan Tuấn Anh/TTXVN

Trước ngày diễn ra Lễ Gạ Ma Thú, người dân trong bản đã họp, phân công nhiệm vụ và chuẩn bị đồ lễ cúng, chọn thầy cúng dưới sự chủ trì của già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín. Trong thời gian diễn ra lễ cúng bản, dân làng không lên nương rẫy, trong bản đoàn kết, hòa thuận; người dân không ăn thịt thú rừng để mong may mắn đến cho bản. Các thầy cúng, chủ lễ được lựa chọn phải giữ mình sạch sẽ, tâm hồn thanh tịnh.

Buổi sáng của ngày thứ nhất, các gia đình chuẩn bị lễ vật gồm: lợn, gà, giỏ tre đan, gạo nếp nương, trứng gà nhuộm đỏ, xôi nhuộm vàng, túi len đựng trứng. Buổi chiều, các gia đình mang lễ vật, vật phẩm để làm đủ 6 mâm cúng vào ngày hôm sau.

Mâm cúng đầu bản là mâm cúng chính, quan trọng nên được đặt ở vị trí linh thiêng (đầu bản) và cố định không thay đổi. Vị trí này đã được dân bản lựa chọn từ trước, được trông coi, bảo vệ không cho thú rừng hoặc trâu bò phá hoại, không cho phép người dân tùy tiện ra, vào. Tại vị trí này, dân bản đã ghép sẵn hai phiến đá nhỏ chụm đầu vào nhau tạo thành một hốc nhỏ sâu trong vách đá tạo thành nơi cất giấu những quả trứng gà trong khi làm lễ cúng bản. Phía trước hốc đá có một phiến đá phẳng, được đặt ngay ngắn, trên đó sẽ đặt đồ lễ cúng gồm gà, lợn, nước, rượu, chè... Bên cạnh hốc đá là nơi đặt một số đồ lễ như: các loại chỉ, lá cây, dụng cụ sinh hoạt hằng ngày.

Gìn giữ nét văn hóa độc đáo của người Hà Nhì ảnh 2

Người dân cộng đồng dân tộc Hà Nhì chuẩn bị đồ để cúng thần lửa. Ảnh tư liệu: Phan Tuấn Anh/TTXVN

Ngoài mâm cúng chính, dân bản còn làm các mâm cúng Cổng bản; mâm cúng thần núi (phía Tây của bản); mâm cúng thần Lửa (phía Nam của bản); mâm cúng thần Đất (phía Bắc của bản) và mâm cúng thần Rừng (phía Đông của bản).

Ngày thứ 3 của lễ Gạ Ma Thú, bản làng vẫn tiếp tục không khí vui tươi, nhộn nhịp với các hoạt động như làm cơm nếp, bánh ngô tại các gia đình để làm quà cho khách đến chơi. Bên hiên nhà, trên những khoảng đất trống trong bản, người dân tham gia các trò chơi dân gian như đánh đu, ném còn, đánh cù…; trình diễn các điệu múa, bài hát đặc trưng, truyền thống của cộng đồng dân tộc mình.

Trong kho tàng văn hóa dân gian, lễ Gạ Ma Thú (lễ cúng bản) của cộng đồng dân tộc người Hà Nhì là một trong những nghi lễ tâm linh, tín ngưỡng độc đáo được giữ gìn, trao truyền qua nhiều thế hệ. Lễ Gạ Ma Thú phản ánh nhiều mặt của cuộc sống kinh tế, văn hóa, xã hội của cộng đồng dân tộc Hà Nhì.

Gìn giữ nét văn hóa độc đáo của người Hà Nhì ảnh 3

Lễ cúng thần rừng của cộng đồng dân tộc Hà Nhì. Ảnh tư liệu: Phan Tuấn Anh/TTXVN

Theo ông Pờ Chinh Phạ, Chủ tịch UBND xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, lễ Gạ Ma Thú của cộng đồng dân tộc Hà Nhì ở 4 xã của huyện Mường Nhé đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng, đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 446/QĐ-BVHTTDL ngày 29/01/2019. Những năm qua, chính quyền địa phương đã tích cực phối hợp với ngành Văn hóa tiếp tục bảo tồn, tăng cường các biện pháp quảng bá và phát huy giá trị của di sản này. Tại các bản có cộng đồng dân tộc Hà Nhì sinh sống cũng duy trì hoạt động các câu lạc bộ trình diễn, truyền dạy các nghi lễ truyền thống và nghệ thuật trình diễn dân gian…

Khi đời sống kinh tế- xã hội của địa phương càng phát triển, chất lượng cuộc sống của người dân càng được nâng, bản làng đổi thay theo chiều hướng tích cực đã tạo tiền đề quan trọng để các cấp, ngành quan tâm đầu tư, bảo tồn được những giá trị văn hóa truyền thống, cốt lõi.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.