Ở Việt Nam hiện nay, sách không còn hiếm như thời kỳ trước nữa, số đầu sách được viết, xuất bản rất nhiều đáp ứng một nhu cầu đọc sách rất lớn từ mọi người ở mọi lứa tuổi nhưng với số lượng sách ở trên thị trường nhiều như vậy, văn hóa đọc hiện nay lại đang tiếp tục cần một sự quan tâm nhiều hơn nữa từ xã hội chứ không phải cứ nhiều sách được xuất bản thì văn hóa đọc ở Việt Nam đã thật sự phát triển. Trong đó, một trong những đối tượng cần quan tâm nhất để phát triển văn hóa đọc, lan tỏa tri thức đó là các bạn sinh viên trong kỷ nguyên mới này.
Tôi nhận thấy, hiện các trường Đại học đều áp dụng học chế tín chỉ, yêu cầu sinh viên phải dành thời gian nhất định tự nghiên cứu đặc biệt việc tìm hiểu, tiếp thu kiến thức qua những cuốn sách là cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, số sinh viên tìm đọc sách rất ít ỏi thể hiện qua một số thống kê của các thư viện, các thống kê được công khai rộng rãi trên báo chí, kênh thông tin.
Nhiều bạn mỗi khi đến kì thì chỉ photo mỗi đề cương của môn học còn sách thì hầu như không đụng đến thì thật khó có thể nghĩ rằng các bạn ấy sẽ đọc các cuốn sách khác. Đặc biệt không chỉ lười đọc sách liên quan đến các chuyên ngành học thì hầu như sách của các lĩnh vực khác các bạn cũng ít khi động đến.
Nguyên nhân là do có quá nhiều điều khác hấp dẫn hơn là film, mạng xã hội, các cuộc vui chơi với bạn bè… Mà một trong những nguyên nhân tôi thấy rõ nhất đó chính là “tư duy ăn xổi ở thì”, các bạn sinh viên bây giờ sống thực dụng theo một cách khác: điều gì, thứ gì, hành động gì mà đem lại cho các bạn ấy lợi ích ngay thì các bạn sẽ làm, thực hiện còn những việc như bồi dưỡng kiến thức thông quá những cuốn sách thì bị các bạn hầu như bỏ qua, ít quan tâm.
Tôi thường xây dựng cách tiếp cận việc đọc sách cho chính bản thân tôi cũng như sinh viên và mọi người khác theo 3 cấp độ: đọc để biết, đọc để hiểu và đọc để giải quyết vấn đề hay thực hiện mục tiêu cá nhân.
Ở cấp độ đọc để biết, mọi người có thể tìm đọc các cuốn sách mà mình yêu thích để tiếp thu, ghi nhớ, có sự biết nhất định về các thông tin, kiến thức từ cuốn sách đó nhằm phục vụ cho nhu cầu học tập của các bạn hssv hoặc công việc của người đi làm.
Đến cấp độ đọc để hiểu, mọi người đọc một cuốn sách không chỉ để biết hay ghi nhớ về kiến thức đó mà còn phải hiểu hay có sự nghiên cứu, liên hệ mật thiết với các cuốn sách đang đọc với cùng một chủ đề về kiến thức nào đó để giải quyết các vấn đề sâu hơn hổ trợ cho bạn có một khả năng tư duy độc lập nền tảng tốt, một kiến thức đủ để phản biện không lệ thuộc vào tư duy, suy nghĩ dẫn dắt của người khác.
Cuối cùng, đọc sách để bản có thể giải quyết vấn đề hay thực hiện mục tiêu của bản thân. Có mấy ai trong số chúng ta có thể gặp được Bill Gate, Steve Jobs,…. Hay những người khác? Nhưng đôi khi chúng ta gặp những vấn đề giống như họ, sách lúc này lại đóng vai trò như một người cố vấn tài ba cho những vấn đề chúng ta gặp trong cuộc sống hoặc lại là cố vấn để thực hiện các mục tiêu, kế hoạch, dự định mà chính chúng ta đang ấp ủ.
Bên cạnh những biểu hiện của việc lười đọc sách của sinh viên, vẫn có những bạn đọc nhiều, có những tủ sách thật lớn như thông qua chương trình: “Tủ sách của bạn đồng hành cùng Omega Group” do Omega - Cộng đồng đọc sách tinh hoa (Omega Group) thực hiện.
Tôi có một niềm vui lớn và cảm động khi nhìn thấy các bạn trẻ gửi ảnh chụp thư viện, kệ, giá, góc đọc sách của mình, từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và cả những nơi khác như Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Dương Lai Châu, Thái Nguyên… Những hình ảnh đó làm tôi nhớ lại một thời đi học, lúc đó Internet chưa phổ biến như bây giờ, những cuốn sách chính là “cánh cửa” mà tôi nhìn ra thế giới khám phá biết bao điều thú vị, mới mẻ.
Vì thế, khi nhìn thấy những cuốn sách của các bạn sinh viên, nhất là những góc đọc sách trông rất đơn giản vì có đôi ba cuốn được xếp trong phòng tại khu kí túc xá, thấy những bạn sinh viên háo hức tìm mua, đọc sách thật sự thấy thêm động lực và thôi thúc tôi phải cố gắng hơn nữa để tạo ra cho Omega Group một sân chơi, đem đến những cuốn sách hay, thực sự có giá trị với cá bạn mặc dù tôi cũng rất ghen tị vì điều mà các bạn đang sở hữu: một gia tài lớn với những cuốn sách nhiều tri thức.
Các thành viên của cộng đồng Omega (Omega Group) sẽ cùng đọc và luận bàn về các tác phẩm tinh hoa được chọn dịch, xuất bản, trong đó họ được tham gia các công đoạn khác nhau của quá trình sản xuất sách, bao gồm: tư vấn chọn sách hay; dịch thuật; hiệu đính và biên tập; góp ý về bìa sách, lời giới thiệu ngay từ khi còn đang là ý tưởng. Đây cũng là nơi mua bán, trao đổi sách cùng các thông tin về sự kiện về sách, hội sách, hội thảo, tọa đàm…
Hình của người viết: Ảnh bìa của Omega Group và hình quản trị/điều hành group. |
Một trong số những cuốn sách mà các thành viên của Cộng đồng Omega đã tham gia đề xuất/chọn, dịch, hiệu đính, biên tập là cuốn hồi ký “Xứ Đông Dương thuộc Pháp” của Paul Doumer, đã nhận được rất nhiều sự quan tâm từ đọc giả trong thời gian qua. Sắp tới đây Cộng đồng Omega sẽ tiếp tục các hoạt đoạt giao lưu, tọa đàm về sách cũng như sẽ có các cuốn sách tinh hoa được Cộng đồng giới thiệu/ cho ra mắt.
Tôi hy vọng tất cả mọi người, đặc biệt là các bạn sinh viên, khi đọc sách sẽ có những giờ phút kỳ thú, những tìm hiểu mới lạ cùng những cung bậc cảm xúc tuyệt vời trên hành trình khám phá kỳ công phức tạp và vĩ đại nhất trong tất cả các kỳ công tuyệt diệu mà loài người sáng tạo ra trên con đường tiến tới hạnh phúc và tương lai tươi sáng - Kỳ công vĩ đại đó chính là SÁCH.