Không đáp ứng năng lực tài chính
Gói thầu NH2020-VT01: Cung cấp than nhập khẩu ngắn hạn phục vụ than nhập khẩu thương mại cụm NMĐ Vĩnh Tân 4 sử dụng nguồn vốn sản xuất kinh doanh của Tập đoàn EVN, hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu cạnh tranh có lựa chọn danh sách ngắn, theo phương thức 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ. Hình thức hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh. Thời gian bắt đầu mời thầu là 3/1/2020, đóng thầu ngày 13/1/2020.
Gói thầu NH2020-VT01 được EVN triển khai các thủ tục mua sắm và ký kết hợp đồng vào tháng 1/2020 để cung ứng than cho nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân từ tháng 2/2020.
Việc mua sắm được thực hiện thông qua hình thức đấu thầu cạnh tranh quốc tế, có sự tham gia của 04 nhà thầu bao gồm: Nhà thầu Noble Resources International Pte. Ltd (nhà thầu Singapore), Suek AG, Glencore International AG, Tổng Công ty Đông Bắc (Nhà thầu Việt Nam).
Nhà thầu Noble Resources International Pte Ltd (NRI) là nhà thầu có giá chào thấp nhất nên đã được trao thầu. Tuy nhiên giá trúng thầu gói thầu khủng này không hiểu vì lý do gì không được EVN công khai.
Theo đánh giá của EVN, để đảm bảo năng lực tài chính nhằm thực hiện gói thầu NH2020-VT01, NRI đã chứng minh khả năng thực hiện hợp đồng thông qua cam kết tín dụng của Ngân hàng quốc tế uy tín với khoản vay cho riêng gói thầu với giá trị cao hơn khoảng 40% giá trị hợp đồng; tăng mức bảo lãnh thực hiện hợp đồng lên gấp đôi so với quy định của EVN.
Tuy nhiên thực tế báo cáo tài chính của nhà thầu trúng thầu NRI lại vẽ lên một bức tranh hoàn toàn u ám.
Nhà máy điện Vĩnh Tân 4 |
Theo tìm hiểu, tại Báo cáo tài chính năm 2017 của Nhà thầu NRI đã được kiểm toán thì Kiểm toán độc lập đã đưa ra nhận xét: “Tổng nợ phải trả của Công ty đã vượt quá tổng tài sản là 2.314 triệu đô la Mỹ” đồng thời dẫn đến tình trạng “có thể gây nghi ngờ đáng kể về khả năng tiếp tục hoạt động của Công ty”. Theo mục C, Khoản 1, Điều 5, Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 quy định nhà thầu, nhà đầu tư là tổ chức có tư cách hợp lệ khi đáp ứng điều kiện sau đây: “Không đang trong quá trình giải thể; không bị kết luận đang lâm vào tình trạng phá sản hoặc nợ không có khả năng chi trả …”. Tại khoản 3 mục II-Phần II hồ sơ mời thầu gói thầu NH2020-VT01 của EVN cũng quy định “Nhà thầu tham dự không trong quá trình giải thể, không bị phá sản và không phát sinh nợ xấu theo quy định của pháp luật”. Như vậy, đối chiếu với quy định của Luật Đấu thầu và yêu cẩu của Hồ sơ mời thầu của EVN, Nhà thầu NRI đã không đủ tư cách hợp lệ để tham dự gói thầu NH2020-VT01.
Vẫn theo Báo cáo tài chính năm 2017 của Nhà thầu NRI đã được kiểm toán thì giá trị tài sản ròng = Tổng tài sản – Tổng nợ = 1.788.863 – 4.102.963 = - 2.314.100 USD (Âm hai tỷ ba trăm mười bốn triệu một trăm nghìn đô). Trong khi đó, theo yêu cầu tại Khoản 3.1 – Mục 3. Năng lực tài chính của Hồ sơ mời thầu yêu cầu: giá trị tài sản tại báo cáo tài chính gần nhất (năm 2017) của nhà thầu phải “Dương”. Với kết quả tài chính năm 2017 bị âm, Nhà thầu NRI đã không đáp ứng được yêu cầu về năng lực tài chính tại gói thầu NH2020-VT01 và nhà thầu này phải được đánh giá không đáp ứng theo quy định tại HSMST.
Giá thấp nhất nên trúng thầu
Trả lời báo chí về sự việc này, EVN cho biết, gói thầu NH2020-VT01 là gói thầu mua than ngắn hạn năm 2020, được EVN triển khai các thủ tục mua sắm và ký kết hợp đồng vào tháng 01/2020 để cung ứng than cho nhà máy từ tháng 2/2020. Việc mua sắm được thực hiện thông qua hình thức đấu thầu quốc tế, có sự tham gia của 4 nhà thầu. Nhà thầu NRI là nhà thầu có giá chào thầu thấp nhất nên đã được trao thầu (?).
Nhà thầu trúng thầu Noble Resources International Pte. Ltd bị “tố” thua lỗ triền miên. |
Như vậy, trước những nghi ngờ của dư luận về việc hồ sơ tài chính của nhà thầu NRI có vấn đề, không đủ tư cách hợp lệ để trúng thầu, EVN đã lảng tránh chỉ đưa ra lý do cụt lủn: “giá thấp nhất nên trúng!”.
Nên nhớ, việc xem xét giá chào thầu chỉ là bước đánh giá cuối cùng khi hồ sơ dự thầu của nhà thầu đáp ứng đầy đủ hồ sơ yêu cầu của gói thầu. Tại sao EVN né tránh, không công khai hồ sơ năng lực của nhà thầu này?
Phải chăng tố cáo về việc nhà thầu NRI be bét về tài chính là có cơ sở, EVN “ăn” phải quả đắng nên giờ đành “ngầm bồ hòn làm ngọt”?
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 là một trong những dự án cấp bách góp phần giải quyết tình trạng thiếu điện cho miền Nam sau năm 2018 của Chính phủ do EVN làm chủ đầu tư, Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO 3) thực hiện tư vấn quản lý Dự án với đại diện là Ban Quản lý Dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân. Nhà máy có tổng mức đầu tư trên 36.000 tỷ đồng, tổng công suất lắp đặt 1.200 MW (2x600MW), sản lượng điện sản xuất khoảng 7,2 tỷ kWh/năm.