Theo kế hoạch, đến ngày 10/3, 10 xã phường tại 5 quận huyện của thành phố Hà Nội sẽ triển khai thí điểm trước việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân cho người dân. Sau đó, Hà Nội sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm trước khi triển khai diện rộng ra toàn thành phố. Trong sáng 1/3, Trạm Y tế phường Phúc Đồng (quận Long Biên) và xã Cổ Bi (huyện Gia Lâm) là hai phường, xã đầu tiên trên toàn thành phố triển khai.
Mục tiêu đặt ra là đến trước tháng 9, Hà Nội sẽ hoàn thành việc khám sức khỏe lần đầu và lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân cho tất cả người dân.
Tại Trạm Y tế phường Phúc Đồng, trong mẫu phiếu quản lý sức khỏe cá nhân điện tử, ngoài các thông tin về tình trạng sức khỏe, bệnh thông thường của bệnh nhân còn có nhóm máu, tên bố mẹ bệnh nhân, tên người chăm sóc chính, mã số khám chữa bệnh và số điện thoại di động của người nhận kết quả khám chữa bệnh. Theo đó, sau khi khám bệnh lần đầu, người dân có thể về ngay, không cần chờ kết quả, kết quả sẽ được thông báo qua tin nhắn điện thoại.
Bác Nguyễn Mạnh Hà (ở tổ 16, phường Phúc Đồng) cho biết bản thân từng khám chữa bệnh rất nhiều lần nhưng mỗi lần đến bệnh viện đều phải trả lời các câu hỏi về tiền sử bệnh của mình. Việc được lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân điện tử, mỗi người dân như ông sẽ được nhập đầy đủ thông tin về tình hình sức khỏe của mình vào hệ thống dữ liệu dùng chung, được cấp cho một mã số sức khỏe cá nhân và sau này, mỗi khi đi đến bệnh viện trên toàn quốc, chỉ cần đọc mã số của mình, bệnh viện sẽ có đầy đủ thông tin, thuận tiện hơn rất nhiều.
Bác sĩ Vũ Thị Hoàng Lan, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Cổ Bi, cũng cho biết thông qua hệ thống dữ liệu dân cư, trạm đã tham mưu cho huyện lập danh sách được 5.270 người sẽ được khám lần đầu trong đợt thí điểm từ nay đến ngày 10/3. Sau đó, cơ quan y tế sẽ triển khai khám và lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho tất cả người dân còn lại trên địa bàn.
Với những người đã đi khám sức khỏe định kỳ trong vòng một năm trở lại đây, nếu còn hồ sơ khám sức khỏe thì không cần khám sức khỏe lần đầu tại trạm y tế mà chỉ cần mang hồ sơ đến để cán bộ nhập dữ liệu vào sổ quản lý sức khỏe cá nhân điện tử.
Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý nhấn mạnh việc lập hồ sơ, khám sức khỏe cho người dân góp phần để mọi người dân đều được theo dõi, chăm sóc sức khỏe ban đầu, được tư vấn sức khỏe, được điều trị hoặc được tư vấn điều trị phù hợp khi có bệnh là chủ trương rất lớn, rất nhân văn mà Chính phủ quyết liệt chỉ đạo, thành phố quyết tâm làm.
Việc này không chỉ giúp phát huy tối đa hiệu quả phòng chống bệnh dịch từ tuyến y tế cơ sở mà còn tạo điều kiện cho mọi người thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe, chủ động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, là giải pháp lâu dài giảm chi phí về y tế cho mỗi người và toàn xã hội.
Theo ông, điều quan trọng là mỗi người dân có thể tự biết tình trạng sức khỏe của mình thông qua hệ thống quản lý sức khỏe toàn dân, qua mã định danh (ID) và các thông tin bảo mật khác như điện thoại, số chứng minh nhân dân.
Trong khi đó, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết việc lập hồ sơ theo dõi sức khỏe giảm được phiền hà cho người bệnh và thuận lợi cho y bác sĩ. Các y, bác sĩ sẽ nắm được thông tin chỉ số sức khỏe cơ bản, tiền sử bệnh tật, từ đó hướng dẫn, tư vấn, đưa ra phác đồ điều trị, chăm sóc sức khỏe tốt, phù hợp nhất đối với từng người dân.
Cơ sở y tế không nỗ lực tin học hóa là có biểu hiện tiêu cực
Tại phiên giải trình về việc thực hiện lộ trình thông tuyến trong khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế sáng 1/3, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết theo báo cáo đến cuối năm 2016 mới có 30% trong tổng số 12.000 cơ sở y tế cập nhật được dữ liệu theo ngày, khoảng 30% cập nhật chậm khi bệnh nhân đi về nhà, ra khỏi viện hoặc ra khỏi trạm, còn lại gần 40% không cập nhật.
Theo chỉ đạo của chính phủ, 12.000 cơ sở y tế hiện đã được kết nối mạng. BHXH đã hoàn thành việc cập nhật, chuẩn bị dữ liệu cho tất cả 90 triệu người dân và đã sẵn sàng tin học hóa, tiến tới việc cấp cho mỗi người một hồ sơ cá nhân, không chỉ gồm thông tin bảo hiểm mà tích hợp tình trạng sức khỏe và các dịch vụ khác của người dân với nhiều cơ quan khác trong một thẻ.
“Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã công khai nói rằng nơi nào không nỗ lực tin học hóa cơ sở của mình, để cập nhật vào là nơi đó có biểu hiện tiêu cực. Tôi đề nghị chúng ta kiên quyết việc này”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.