Theo thông tin đăng tải trên Zing.vn, sáng 10/6, trang Airvisual xếp hạng Hà Nội nằm ở vị trí thứ 9 trong số 10 quốc gia ô nhiễm nhất thế giới. Chỉ số quan trắc AQI tại khu vực là 106, ứng với mức cảnh báo không tốt.
Số liệu từ trang dự báo Windy cũng cho thấy đêm qua, hàm lượng NO2 trong không khí Hà Nội cũng liên tục gia tăng từ 23h đến 3h.
Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, chất lượng không khí tại một số tỉnh miền Bắc có xu hướng suy giảm vào ban đêm từ 3/6 đến nay. Một trong những nguyên nhân chính của việc này là hiện tượng đốt rơm rạ đang diễn ra phổ biến.
Nồng độ NO2 trong không khí Hà Nội gia tăng từ 0h đến 3h sáng và suy giảm ngay sau đó. - Ảnh: Windy. |
Thời gian này, thời tiết khô ráo và có nắng nóng vào ban ngày, rơm rạ ở tình trạng khô thuận lợi cho việc đốt. Ở nông thôn, sau một ngày phơi nắng, rơm rạ thường được đốt vào buổi tối. Do đó, các chất ô nhiễm và đặc biệt là nồng độ bụi mịn PM2.5 bắt đầu tăng từ 18h và đạt giá trị cực đại từ 20h đến 22h hàng ngày.
Tổng cục Môi trường cho biết tùy vào từng khu vực, mức độ ô nhiễm bụi mịn PM2.5 có sự khác nhau. Tuy nhiên, xu hướng chung là sự gia tăng hàm lượng bụi mịn vào ban đêm.
Tại nội thành Hà Nội, hoạt động đốt rơm rạ không diễn ra trực tiếp. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, hàm lượng bụi mịn PM2.5 cũng tăng cao vào buổi tối. Thời gian hàm lượng PM2.5 cao nhất từ 23h đến 1h, trễ hơn so với các khu vực ngoại thành.
Do kết hợp với các nguồn thải sẵn có, hàm lượng bụi PM2.5 ở khu vực nội thành Hà Nội vào buổi tối cũng cao hơn so với ngoại thành.
Kết quả tính toán chỉ số AQI cho thấy vào buổi tối từ 23h đến 1h trong các ngày 3-7/6, chất lượng không khí ở mức xấu với AQI dao động 151-200. Đêm 6/6, chất lượng không khí đã ở mức rất xấu, AQI 201-300.
Mặc dù hàm lượng bụi PM2.5 khá thấp vào ban ngày, nhưng nếu tính theo trung bình ngày, thông số này lại vượt quá so với quy chuẩn tại một số trạm như Minh Khai, Hàng Đậu...
Trung bình 24 giờ của PM2.5 tại một tại khu vực nội thành Hà Nội. - Biểu đồ: Tổng cục Môi trường. |
Lý giải sự chênh lệch về mức độ ô nhiễm không khí giữa ngày và đêm, Tổng cục Môi trường cho rằng ngoài đốt rơm rạ là nguyên nhân phát sinh chất ô nhiễm, các yếu tố khí tượng cũng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng không khí vào ban đêm.
Cụ thể, trong tháng 6, mặt trời đi qua thiên đỉnh 2 lần tại Hà Nội, cường độ bức xạ mặt trời là mạnh nhất trong năm. Ánh sáng chói chang rọi vuông góc xuống đất khiến mặt đất bị đốt nóng đến 400 W/m2, sau chập tối nguội đi vì phát ra bức xạ hồng ngoại, gây nghịch nhiệt sát mặt đất.
Do đó, các chất ô nhiễm do đốt rơm rạ và các hoạt động khác không thể phát tán.
Ngoài ra, cường độ bức xạ cao gây ra các phản ứng quang hóa giữa các chất ô nhiễm sơ cấp làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm.
Tổng cục Môi trường khuyến cáo để giảm bớt tình trạng ô nhiễm không khí, người dân không nên đốt rơm rạ, theo TTXVN.