Các địa phương phải chuẩn bị tốt mọi mặt để học sinh lớp 1 đến lớp 6 của các quận trở lại trường học theo lộ trình.
Đây là yêu cầu của lãnh đạo Hà Nội tại Hội nghị giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19 với các quận, huyện, thị xã ngày 11/2.
Khuyến khích thành lập các nhóm gia đình tự quản
Đại diện Sở Y tế cho hay tính từ ngày 26/1 đến 10/2, trung bình thành phố ghi nhận 2.835 ca/ngày, giảm nhẹ so với kỳ báo cáo trước (ghi nhận trung bình 2.902 ca/ngày), song đây có thể là mức giảm "giả tạo."Trong tuần tiếp theo sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán có thể ghi nhận số mắc tăng cao. Do đó, công tác phòng, chống dịch vẫn đang được tổ chức quyết liệt, tỷ lệ bệnh nhân nặng, tỷ lệ tử vong vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Theo vị đại diện Sở Y tế, trong thời gian tiếp theo khi mở cửa trở lại một số dịch vụ, ngành nghề như: Vận tải, du lịch, giao thương quốc tế… dẫn đến nguy cơ biến chủng Omicron xâm nhập mạnh. Vì thế, các địa phương cần theo dõi sát, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp để bảo đảm việc phục hồi phát triển kinh tế và an ninh y tế.
Về phía Sở Giáo dục và Đào tạo, nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh đi học trở lại từ ngày 7/2, Sở đã ban hành các văn bản chỉ đạo cũng như tập huấn cho các trường về công tác phòng, chống dịch; đồng thời, tổ chức các đoàn để kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các trường.
Cùng với đó, Sở đã chỉ đạo các trường vừa tổ chức học trực tiếp lẫn trực tuyến đối với những lớp, trường có học sinh là F0. Về lộ trình cho học sinh của các quận của Hà Nội (từ lớp 1 đến lớp 6) trở lại trường học, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, căn cứ vào tình hình thực tế, Sở tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố cho học sinh đi trở lại trường từ ngày 21/2 tới, còn học sinh mầm non tiếp tục tạm nghỉ.
Liên quan đến việc học sinh trở lại trường, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Chử Xuân Dũng yêu cầu các đơn vị sớm thành lập tổ công tác, gắn trách nhiệm các địa phương để thường xuyên ứng trực, hỗ trợ kịp thời cho trường học. Khuyến khích thành lập các nhóm gia đình tự quản để có thông tin thông suốt đến giáo viên chủ nhiệm và nhà trường.
Ông Dũng đề nghị cần tiếp tục tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế trường học và giáo viên, trong đó triển khai tập huấn tâm lý học đường khi phát sinh ca mắc trong trường, tránh để xảy ra tâm lý kỳ thị khi có học sinh bị nhiễm COVID-19.