Theo báo cáo của Sở xây dựng Hà Nội, Hà Nội có tổng cộng là 973 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng từ đầu năm 2017 đến nay, Thành phố đã xử lý 558/973 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng từ năm 2015-2016.
Theo ghi nhận, nhiều trường hợp vi phạm trật tự xây dựng đang ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, đồng thời cũng xuất hiện tình trạng mặc cho những vi phạm đã được cảnh báo, nhiều công trình vẫn ngang nhiên thi công, bất chấp quy định của pháp luật.
Mới đây, trong báo cáo gửi UBND thành phố Hà Nội, Đoàn Thanh tra liên ngành đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của 50 dự án được lựa chọn ngẫu nhiên để thanh tra liên quan đến vi phạm quy hoạch, trật tự xây dựng và sử dụng đất. Trong số này, có nhiều dự án vi phạm nhiều lỗi cùng lúc vẫn được phép tồn tại nhiều năm.
Có thể kể tên như: Dự án chung cư số 143, ngõ 85 Hạ Đình (Thanh Xuân), do Tổng Công ty TN&MT Việt Nam và Công ty CP Đầu tư 135 làm chủ đầu tư đã tự ý xây tăng hàng chục căn hộ, xây dựng 4 căn hộ thông tầng 20 lên 21, xây dựng tầng 22 không có trong giấy phép xây dựng (GPXD)....
Trao đổi về vấn đề này, Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng Bùi Trung Dung cho rằng, Luật Xây dựng 2014 có tư tưởng mới, không hành chính hoá trong hoạt động quản lý nhà nước, theo tinh thần Chính phủ phục vụ. Do vậy, quản lý giấy phép xây dựng trên cơ sở quy hoạch để tránh tùy tiện trong việc cấp phép.
Việc quản lý trật tự xây dựng trong giai đoạn trước khi mà công tác phủ kín quy hoạch thấp khiến cơ quan quản lý cấp phép có biểu hiện “xin – cho” tuỳ tiện. Bởi vậy, có những vi phạm khó cưỡng chế phá dỡ vì vẫn thiếu căn cứ pháp lý; có sai phạm chỉ là hành chính hoá. Nếu vi phạm đó không ảnh hưởng đến quy hoạch kiến trúc hoặc xảy ra từ trước đó thì không phá dỡ; chỉ phá dỡ khi ảnh hưởng đến quy hoạch kiến trúc. Ngoài ra, việc phá dỡ còn đảm bảo không gây lãng phí đầu tư xã hội.
Theo ông Dung, từ khi có Nghị định 64 tỷ lệ vi phạm xây dựng giấy phép giảm hẳn. Gần đây, mặc dù Luật Xây dựng đã quy định cụ thể nhưng thủ tục đất đai vẫn chưa quy định rõ lắm.
Thông tin thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, cho biết mỗi năm cả nước ước chừng có 60.000 giấy phép xây dựng khác nhau, có cấp phép nhà ở nhỏ lẻ, cũng có cả các dự án lớn.
Thứ trưởng thừa nhận, tình trạng vi phạm là có, ở dạng hoặc không phép hoặc sai phép nhưng ông cho rằng cần phải đánh giá theo quá trình. Theo đó, những năm 2010-2011, hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh việc quản lý và cấp phép chưa hoàn thiện dẫn đến có xảy ra cơ chế xin - cho hoặc sai phạm khó xử lý.
Tuy nhiên hiện nay cơ sở pháp lý ngày càng hoàn thiện, đã có nghị định hướng dẫn cụ thể, việc quản lý xây dựng theo giấy phép đã có các văn bản và đội ngũ thực hiện, việc xử lý cũng có chế tài, phương pháp xử lý. Nhờ đó, tỷ lệ công trình sai phép đã giảm đi. Tuy nhiên đâu đó vẫn xảy ra sai phép, không phép, bao gồm cả công trình nhỏ, công trình lớn. Một số vụ việc cụ thể xảy ra trước đây 4-5 năm.
“Quan điểm xử lý của bộ là sai phép, không phép thì phải đình chỉ thi công. Không giấy phép phải làm các thủ tục để xin phép, có thể cưỡng chế phá dỡ. Sai phép thì đối chiếu giấy phép và quy hoạch để giải quyết” - lãnh đạo Bộ Xây dựng nhấn mạnh.
“Ở những dự án xây dựng từ 5 đến 10 năm trước nếu sai phạm, khi giải quyết vấn đề tồn tại do cấp phép trước đây thì vẫn phải xem xét yếu tố phù hợp với quy hoạch. Về cơ bản, phần xây dựng sai nếu vẫn phù hợp với quy hoạch thì yêu cầu thay đổi giấy phép”, ông Hùng nói.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng cho hay với những dự án đang xây dựng vi phạm thì phải xử lý tức thời, tuy nhiên đó vẫn là tài sản nên để tránh lãng phí thì yêu cầu chủ đầu tư nộp phạt phần chênh lệch.
Theo VnMedia