Vào khoảng 10:30 sáng, hai người biểu tình - một phụ nữ 26 tuổi tên là Laura và một người đàn ông lớn tuổi giấu tên - cùng với một số phóng viên đã tiến vào Bảo tàng Vatican. Ngay tại chân bức tượng "Laocoön and His Sons", hai nhà hoạt động đã dán tay mình lại. Ngay sau khi đoàn người bước vào, khu vực đó của bảo tàng đã được sơ tán.
Theo thông cáo báo chí của tổ chức, Laura gần đây đã tốt nghiệp Thạc sĩ Lịch sử Nghệ thuật. Cô tham gia cuộc biểu tình vì cảm thấy tương lai của mình, cả về mặt cá nhân và nghề nghiệp, đã bị cướp đi bởi các quan chức chính phủ - những người tiếp tục phớt lờ hiện trạng khủng hoảng khí hậu. Cô giải thích rằng bức tượng mà cô và nhà hoạt động còn lại cùng lựa chọn đã nói lên thực tế này.
Tác phẩm "Laocoönn and His Sons" trong bộ sưu tập của Bảo tàng Vatican. |
Tác phẩm điêu khắc "Laocoön and His Sons", mô tả Laocoön, một nhân vật chủ chốt trong thần thoại về cuộc chiến thành Troy. Một linh mục thành Troy, Laocoön đã khuyên các đồng đội thành Troy của mình phóng hỏa con ngựa gỗ đã được gửi tặng từ người Hy Lạp. Trên thực tế, con ngựa đã che giấu một nhóm binh lính đối phương, và Laocoön đã cố gắng vạch trần mưu kế kẻ thù bằng cách dùng giáo đâm vào con ngựa gỗ. Trong thần thoại, nữ thần Athena đã trừng phạt ông vì cố gắng phá hoại kế hoạch của người Hy Lạp, bà gửi một con rắn để siết cổ Laocoön và hai con trai của ông. Người thành Troy cho rằng cái chết khủng khiếp của nhà Laocoön là báo ứng của thần thánh và nhanh chóng quyết định di chuyển con ngựa gỗ vào trong thành, tin rằng đó là vật dâng cho nữ thần Minerva (Minerva là nữ thần La Mã của lý trí, chiến tranh, nghệ thuật và khoa học. Từ thế kỉ thứ II TCN, người La Mã đã xem nữ thần Minerva tương đương với nữ thần Athena của Hy Lạp).
Một cảnh trong bộ phim Troy (2004) miêu tả cảnh con ngựa gỗ được kéo vào thành. |
Laura cho biết trong thông cáo, nhắc lại sự việc đau thương, khi tín hiệu báo động đã bị phớt lờ, linh mục Laocoön và các con của ông chết trong im lặng, và toàn bộ thành Troy chìm trong biển lửa, gây ra cái chết của rất nhiều sinh linh vô tội.
“Là những nhân chứng của một cuộc khủng hoảng bị bỏ qua trong nhiều thập kỷ, chúng tôi chọn thu hút sự chú ý đến thông điệp của mình bằng cách đến gần hình ảnh của Laocoön, người tiên kiến đã phải chịu sự đàn áp tột độ vì đã cố gắng cảnh báo đồng bào của mình về một thảm họa sắp xảy ra,” nhà hoạt động Ultima Generazione giấu tên cũng nhấn mạnh trong bản thông cáo báo chí: “Sẽ không có bảo tàng, không có nghệ thuật, không có vẻ đẹp trong một thế giới bị ảnh hưởng bởi tình trạng khẩn cấp về khí hậu và sinh thái. Hạn hán, lũ lụt, hỏa hoạn, ô nhiễm và khan hiếm tài nguyên sẽ tiếp diễn nếu các lựa chọn căn bản không được ưu tiên thực hiện”.
Bức tượng là một trong những tác phẩm nghệ thuật có giá trị nhất của Vatican. Được phát hiện vào năm 1506, "Laocoön and His Sons" là kiệt tác được tác giả, nhà tự nhiên học, và triết học tự nhiên La Mã Pliny the Elder nhắc đến trong các tác phẩm của ông. Sau khi được phát hiện, bức tượng đã được Giáo hoàng Julius II mua lại và trở thành tâm điểm của khu vườn điêu khắc của Vatican. Tác phẩm được cho là đã được tạo ra vào khoảng 40-30 TCN.
Tờ Observer đưa tin trước đó vào tháng 8 rằng cả Just Stop Oil (nhóm hoạt động khí hậu ở Anh) và Ultima Generazione đều đã nhận được một triệu đô la tài trợ từ Quỹ Khẩn cấp Khí hậu CEF (Climate Emergency Fund) có trụ sở tại California. Giám đốc điều hành CEF Margaret Klein Salamon cho biết số tiền này được sử dụng riêng để cung cấp hỗ trợ pháp lý cho các nhà hoạt động từ các tổ chức này.