Hai triển lãm về “hạt lúa” và “ngày nắng”

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Giới mỹ thuật TP.HCM đang chờ đợi hai triển lãm “chất lượng cao” diễn ra vào cuối tuần này của nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn và họa sĩ Hồng Quân.

Khải huyền của Bùi Hải Sơn

Hai triển lãm về “hạt lúa” và “ngày nắng” ảnh 1
Tác phẩm “Chuyển động ngầm” - giả lập sắp đặt, trưng bày của điêu khắc gia Bùi Hải Sơn.

Sinh năm 1957 tại An Giang, điêu khắc gia Bùi Hải Sơn tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật TP.HCM và ông từng được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM. “Khải huyền” là triển lãm điêu khắc cá nhân lần thứ 2 của điêu khắc gia Bùi Hải Sơn sẽ khai mạc lúc 18g ngày 6/1 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, sau triển lãm đầu tay mang tên “Nguồn” vào năm 2010. Bùi Hải Sơn tham gia gần 30 triển lãm nhóm, hơn 10 trại điêu khắc trong nước và quốc tế. Các tác phẩm của ông được sưu tập bởi cá nhân và tổ chức, như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, Công viên Beasan (Iksan, Hàn Quốc), Bảo tàng Takanabe (Miyazaki, Nhật Bản)…

Với hơn 35 năm trong nghề, Bùi Hải Sơn chưa khi nào ngưng tìm tòi và sáng tạo, nhưng ông lại khá cẩn trọng và chỉn chu, nên có vẻ ngại làm triển lãm cá nhân. Nếu chỉ làm triển lãm để lấy số lượng, thì Bùi Hải Sơn có thể trưng bày 5-6 triển lãm cá nhân cũng dư sức, vì số lượng và chất lượng tác phẩm đều đủ đầy. Thế nhưng triển lãm “Khải huyền” lần này chỉ trưng bày có 9 tác phẩm với sắp đặt ý niệm và ánh sáng.

Hình tượng hạt lúa được Bùi Hải Sơn khai thác từ năm 1995, với những trăn trở và tìm kiếm ngôn ngữ thể hiện, để đạt đến sự hiện đại và tối giản, nhiều ẩn ý như hiện nay. Hạt lúa là một dấu ấn trong triển lãm Nguồn (2010). Bùi Hải Sơn chia sẻ về triển lãm lần thứ hai của mình: “Ai cũng có nguồn gốc và ký ức về một không gian sống, với tôi đó là cù lao, là dòng sông. Cù lao Ông Chưởng - hạt lúa - dòng sông là những thực tại hữu hình trong dòng chảy tiềm thức về cuộc di dân về phía Nam và xa hơn nữa… Lần này, “Khải huyền” mang đến một nhãn quan tối giản về hình thể và không gian để chiêm nghiệm về thực tại vô hình”.

Hai triển lãm về “hạt lúa” và “ngày nắng” ảnh 2

Nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn.

Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân nhận định: “… Hình khối hạt-nguồn của tác giả đạt tới sự tinh lọc, giản dị và giàu ẩn ý, thuyết phục và gây xúc động. Đồng thời hình thể quy giản có tính trừu tượng, phổ quát đó lại biến hóa kì lạ, bất ngờ… Trong tâm tưởng người xem, hạt-nguồn của Bùi Hải Sơn cũng có thể biến hóa thành cây, con vật hoặc bộ phận của cơ thể... Điêu khắc và vật liệu vô cơ được người sáng tạo ra chúng gieo phôi mầm sống, phả hơi thở ấm vào. Đối lập giữa sự tính toán duy lý và tính sinh học tự tiến hóa, đối lập vô cơ - hữu cơ làm cho các tác phẩm nhiều chất design công nghiệp có một sắc thái thẩm mỹ riêng và nhất quán. Tôi có cảm giác điêu khắc của Bùi Hải Sơn rất tương hợp với nội ngoại thất đô thị Sài Gòn của chúng ta. Phong cách điêu khắc riêng, đậm đặc đã làm nên một tên tuổi, một tác giả điêu khắc khó quên của thành phố này”.

Triển lãm “Khải huyền” mở cửa đến ngày 13/1.

Ngày nắng của Hồng Quân

Hai triển lãm về “hạt lúa” và “ngày nắng” ảnh 3

Tác phẩm “Chuẩn bị ra khơi” của họa sĩ Hồng Quân.

“Ngày nắng” là triển lãm màu nước lần thứ 3 của họa sĩ Hồng Quân, bày hơn 60 tranh, phản ánh sức làm việc và sự chuyên tâm của anh với chất liệu này. Sau hai triển lãm cá nhân “Sông nước miền Tây” (tháng 10/2019) và “Những gì yêu thương nhất” (tháng 1/2022), Hồng Quân đã có nhiều bước chuyển tinh tế về kỹ thuật trong tác phẩm tại “Ngày nắng”, dù chủ đề vẫn tiếp nối các triển lãm trước.

Họa sĩ Nguyễn Trung Tín, nhận định: “Giữa một không khí sáng tác sôi động của các trào lưu nghệ thuật mới, nhiều cách biểu đạt mang tính cách tân và ngôn ngữ hậu hiện đại, tranh của Hồng Quân lại đưa người xem trở về những giá trị xưa kia, với cái nhìn chân thành về vẻ đẹp bình dị. Lối vẽ đi ngược trào lưu này tạo ra điểm khác biệt cho tác phẩm, tạo sự chú ý cho công chúng. Tranh anh có nét hiền hòa, dễ mến như chính con người anh, đơn giản, chân chất của người miền Tây, không chạy theo những biến động của hình thức đương đại. Bằng lòng với thế giới xung quanh, miễn là đủ các chất liệu yêu thương, gắn bó với mình... Tranh anh thu hút người xem bằng sự trải lòng, giãi bày tình cảm, với lối vẽ giản dị nhưng chuyên sâu, mạch lạc trong chi tiết, phải xem lâu mới mến, nhìn kĩ mới thương”.

Hai triển lãm về “hạt lúa” và “ngày nắng” ảnh 4

Họa sĩ Hồng Quân.

Là bạn từ nhỏ, học cùng lớp, ở cùng một khu tập thể, TS Nguyễn Thị Hậu, chia sẻ: “Hồng Quân là con trai của nhạc sĩ Phan Nhân và NSƯT Phi Điểu, hai người em, người bạn thân thiết của ba má tôi. Nhớ đến Quân là nhớ hồi nhỏ lúc nào hai cái chân của Quân cũng thay phiên nhau... bó bột, vì Quân thường leo trèo những chỗ nguy hiểm, đã thế còn lê cái chân bó bột chạy nhảy liên tục, chẳng ngồi yên bao giờ. Vì vậy xem tranh Quân từ nhiều năm nay, tôi thích thú vì những bức tranh màu nước của Quân rất chân thật và giản dị, đồng thời ngạc nhiên với nhiều hình ảnh quá đỗi dịu dàng, khác hẳn Hồng Quân mà tôi từng biết, mang lại cho tôi nhiều cảm xúc. Chiếm số lượng lớn là những bức tranh về sông biển, đặc biệt sông nước miền Tây - quê hương của cả hai chúng tôi - là những khoảnh khắc bình dị và đẹp đến nao lòng. Tranh của Quân đầy ắp những chi tiết cuộc sống của người bình dân, tưởng là vụn vặt, nhưng đó là những “cái đinh” neo lại trong ta nỗi nhớ quê hương”.

Triển lãm “Ngày nắng” khai mạc lúc 9g30 ngày 5/1 tại tòa nhà Lê Bảo Minh, 184 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3, TP.HCM.

Biểu tượng ChatGPT của Công ty OpenAI tại một văn phòng ở Washington DC. Ảnh: AFP/TTXVN
Công nghệ AI trước cuộc đua chuyển hướng
(Ngày Nay) - Một kỷ nguyên mới đang đến khi các công ty AI đang chuyển hướng tập trung vào việc tinh chỉnh các mô hình hiện có và bổ sung cho chúng khả năng lập luận giống con người hơn.