Yonhap đưa tin lực lượng Không quân Hàn Quốc thông báo ngày 17/4, nước này và Mỹ đã khởi động cuộc tập trận không quân chung quy mô lớn, trong bối cảnh hai nước nỗ lực tăng cường khả năng răn đe trước các mối đe dọa quân sự của Bình Nhưỡng.
Theo thông báo, khoảng 110 máy bay và hơn 1.400 binh sỹ đã được huy động cho cuộc Huấn luyện bay Hàn Quốc (KFT) năm nay, kéo dài 12 ngày tại Căn cứ Không quân Gwangju ở thành phố cùng tên, cách Seoul 267km về phía Nam.
Hơn 60 máy bay chiến đấu của Hàn Quốc, bao gồm máy bay F-35A, F-15K và KF-16, sẽ tham gia cuộc tập trận, trong khi Mỹ sẽ triển khai khoảng 40 máy bay, trong đó có máy bay chiến đấu F-16 của Không quân nước này, máy bay tấn công A-10 và các máy bay phản lực F-35B và FA-18 của Thủy quân lục chiến.
Theo Lực lượng Không quân Hàn Quốc, cuộc tập trận sẽ tập trung vào việc tăng cường khả năng tương tác và khả năng tác chiến tổng hợp của các máy bay chiến đấu tiên tiến hai nước, bằng cách tiến hành nhiều cuộc tập trận khác nhau, chẳng hạn như một chuyến bay tấn công và các hoạt động hỗ trợ trên không.
KFT là một trong hai cuộc tập trận quy mô lớn thường xuyên mà hai nước tổ chức hằng năm.
KFT được tổ chức vào nửa đầu năm, trong khi sự kiện khác, có tên là Vigilant Storm năm ngoái, diễn ra vào nửa cuối năm.
Cuộc tập trận diễn ra trong lúc căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên, sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố phóng thử một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa sử dụng nhiên liệu rắn và một tàu tuần tra của Triều Tiên đi qua biên giới thực tế trên biển phía Tây.
Trước đó, ngày 13/4, truyền thông Triều Tiên đưa tin nước này đã phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới sử dụng nhiên liệu rắn một ngày trước đó.
Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết tên lửa được phóng trong ngày 13/4 là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới “Hwasong-18” và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã thị sát tại địa điểm phóng tên lửa.
KCNA nhấn mạnh: "Vụ phóng thử ICBM mới không có bất kỳ tác động tiêu cực nào đến sự an toàn của các nước láng giềng và đã được phóng an toàn trên biển.”
Theo giới chức Triều Tiên, qua vụ phóng, toàn bộ những tính năng ưu việt nhất của hệ thống vũ khí chiến lược mới đã đạt được chính xác theo các yêu cầu thiết kế và có thể khẳng định rằng ICBM này là một phương tiện tấn công chiến lược mạnh mẽ với hiệu quả quân sự cao hơn.
KCNA cho biết đây sẽ là phương tiện tấn công chiến lược mới mạnh mẽ và hiệu quả hơn của Triều Tiên, nhưng vụ phóng vừa qua không gây bất kỳ tác động tiêu cực nào đến an toàn của các nước láng giềng.