Bác sĩ Bùi Hùng Việt - trưởng khoa sốt xuất huyết (SXH) Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ - cho biết tình hình dịch bệnh SXH vẫn rất nóng. Lượng bệnh nhi nằm điều trị tại khoa vào đầu tuần luôn luôn trên 150 ca, vì vậy bệnh nhi phải nằm 3 người/giường (vì thực kê được có 80 giường), đặc biệt năm nay nhóm mắc bệnh là trẻ lớn từ 7-15 tuổi nhiều hơn trẻ nhỏ.
Tại huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang, tình hình dịch SXH diễn biến phức tạp. Ông Nguyễn Hoàng Phi - phó chủ tịch UBND xã Hòn Thơm - cho biết dịch SXH tại xã này bùng phát hơn 1 tuần qua với 13 trường hợp mắc phải, khiến 1 cháu bé 6 tuổi tử vong. Ông Phi cho biết hiện khoa kiểm soát dịch bệnh - Bệnh viện Đa khoa Phú Quốc đang có các biện pháp kiểm soát và dập dịch SXH tại xã đảo này. Tại xã đảo Thổ Châu cũng ghi nhận 10 ca mắc SXH.
Tại Trà Vinh, ghi nhận có 3 trường hợp tử vong do SXH, đặc biệt bệnh SXH trong tình trạng báo động với trên 500 ca bệnh, tăng trên 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Sở Y tế Trà Vinh, đến nay 100% ổ dịch SXH và tay chân miệng đã được xử lý. Tuy nhiên, việc thực hiện chỉ tiêu phòng, chống SXH diệt muỗi, lăng quăng tại các địa phương không đạt so với kế hoạch đề ra.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng Bến Tre, từ đầu năm đến nay đã phát hiện hơn 700 ca mắc SXH, các ổ dịch đã xuất hiện tại 9/9 huyện, thị, thành trong tỉnh, trong đó có 1 ca tử vong ở xã Tân Thanh, huyện Giồng Trôm.
Tiền Giang cũng là tỉnh có tỉ lệ mắc SXH cao, đứng thứ 7 ở khu vực phía Nam, số ca mắc SXH đã lên đến gần 1.000 trường hợp, trong đó có 1 ca tử vong tại huyện Chợ Gạo.
Theo dự báo của ngành y tế, tình hình thời tiết bất thường, biến đổi khí hậu nên lượng lăng quăng, muỗi gây bệnh SXH sinh sản nhiều, mật độ tại các nơi qua giám sát đều cao. Vì vậy từ nay đến hết mùa mưa dự báo tình hình lây lan dịch nhiều hơn, ngoài các biện pháp của ngành y tế phát động, người dân cần chủ động diệt lăng quăng, muỗi và phòng muỗi đốt.
Theo Tuổi Trẻ