Phái đoàn ngoại giao của nhiều nước trong hôm đầu tuần này đã nhận được bản thông báo cùng một chiếc đĩa cứng có chứa “chìa khóa” để kích hoạt “chứng nhận y tế để du lịch quốc tế” - một phiên bản “hộ chiếu vaccine” của Trung Quốc - trong đó có chứa thông tin về virus Corona và các cuộc xét nghiệm kháng thể, dữ liệu tiêm chủng của người sở hữu.
Phái đoàn ngoại giao các nước đã gọi đây là một “bước tiến tốt đẹp” và nói rằng họ hoan nghênh việc Trung Quốc đề xuất thảo luận về vấn đề này. Tuy nhiên, sự minh bạch dữ liệu có thể là trở lực lớn trong việc đạt được sự công nhận các chủng vaccine ngừa COVID-19 trước khi cho phép di chuyển quốc tế. Điều này là do các nước sử dụng vaccine khác nhau, và họ có thể không công nhận vaccine mà một nước khác đang sử dụng.
“Để bắt đầu sự công nhận chung về các chủng vaccine, chúng ta cần thực sự hiểu được vaccine của Trung Quốc là gì” - Irit Ben Abba, Đại sứ Israel tại Trung Quốc, nói - “Và Trung Quốc có thể là muốn tìm hiểu hiệu quả của chủng vaccine mà chúng ta đang sử dụng”.
Israel đã nhất trí cùng với Hy Lạp, Cyprus và Seychelles trong việc cho phép những công dân đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 di chuyển trong 3 nước này. Đại sứ Ben Abba nói rằng họ đạt được sự đồng thuận này là do tất cả 3 nước đều sử dụng chung một chủng vaccine bởi Pfizer-BioNTech sản xuất. Rất có khả năng họ sẽ đạt được một thỏa thuân tương tự với Trung Quốc, nhưng hai bên cần phải “chia sẻ thông tin về chủng vaccine cùng hiệu quả của nó”, bà nói.
Dữ liệu về các chủng vaccine khác đang lưu hành trên thế giới - như vaccine của Moderna, Pfizer-BioNTech, AstraZeneca và Sputnik - đều được công bố trên các tạp chí, nhưng chỉ có sản phẩm của Pfizer-BioNTech là đang trong quá trình cấp phép ở Trung Quốc.
Một nhà ngoại giao châu Âu giấu tên nói với tờ SCMP rằng các vòng đàm phán với Trung Quốc chưa được khởi động và cũng chưa có quyết định được đưa ra, dù là với tư cách một nước đơn nhất ở châu Âu hay toàn khối Liên minh châu Âu (EU), về vấn đề trên. Dữ liệu về mức độ an toàn và tỷ lệ hiệu quả của một chủng vaccine ngừa COVID-19 là điều cần thiết, trong lúc mà Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) chưa phê duyệt sử dụng chủng vaccine đó.
Nếu một chủng vaccine vượt qua được vòng đánh giá chất lược ban đầu hoặc được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt để sử dụng khẩn cấp, nó vẫn có khả năng không được EU công nhận; nhà ngoại giao cho hay.
Hai chủng vaccine của Trung Quốc - 1 do Sinopharm chi nhánh Bắc Kinh sản xuất và 1 do Sinovac - đang được WHO đánh giá, và kết quả có thể được công bố ngay trong tháng này.
“Hộ chiếu vaccine” của Trung Quốc chứa thông tin về các cuộc xét nghiệm kháng thể, dữ liệu tiêm chủng của người sở hữu. (Ảnh: Xinhua). |
“Tôi không nghĩ các nước EU sẽ công nhận ngay một chủng vaccine chỉ vì WHO công nhận nó” - một nhà ngoại giao giấu tên nói.
Scott Rosenstein, Giám đốc chương trình y tế toàn cầu thuộc tổ chức Eurasia Group, nói rằng Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) và EMA từng khẳng định rằng họ sẽ không công nhận những chủng vaccine COVID-19 mà chưa được phân tích bởi chính các cơ quan quản lý của họ. Tuy nhiên những nước sản xuất vaccine vẫn tìm cách vượt qua được vòng đánh giá chất lượng ban đầu của WHO.
“Đối với những nước không có đủ nguồn lực để phân tích kỹ lưỡng dữ liệu thử nghiệm lâm sàng, việc vaccine của họ được WHO cấp phép có thể mang lại lợi thế” - ông nói. Chính quyền Bắc Kinh rất có khả năng sẽ thu thập dữ liệu phân tích ở trong nước trước khi công nhận một chủng vaccine được sản xuất ở nước ngoài. Do thiếu dữ liệu và sự không công nhận các chủng vaccine, việc một cá nhân đi tới châu Âu trong khi đã tiêm một chủng vaccine chưa được EU công nhận là điều rất thách thức.
Một nguồn tin khác cho hay Trung Quốc và Mỹ đang tổ chức các cuộc đàm phán về công nhận vaccine của nhau, nhưng chưa có bước tiến nào đạt được.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc trước đó cho hay chính quyền Bắc Kinh đang tìm cách đạt được những thỏa thuận chung cùng có lợi dựa trên cơ sở “giải quyết những mối quan ngại của nhau”, nhưng chỉ riêng việc ngừng/giảm thời gian cách ly cũng cần phải xem xét lâu hơn. Mặc dù rất nhiều quốc gia trên thế giới đang khao khát mở cửa lại đường biên giới để tiếp nhận khách du lịch, nhưng chưa rõ “hộ chiếu vaccine” có giúp giảm thiểu sự lây lan của virus Corona hay các chủng biến thể của nó hay không.
Một số nước, trong đó có Trung Quốc, đang tìm cách đạt được số ca nhiễm mới bằng 0, trong khi một số nước khác chỉ muốn giảm rủi ro lây lan - tức giảm số ca nhiễm COVID-19, đồng thời mở cửa dần nền kinh tế và các hệ thống chính trị, xã hội.