Hoàng gia Thái Lan với áp lực của người biểu tình

[Ngày Nay] - Trong tháng 9, phong trào biểu tình với sự tham gia của khoảng 10.000 người Thái Lan đòi khống chế quyền lực nhà vua Vajiralongkorn.
Hàng nghìn người dân Thái Lan tham gia biểu tình.
Hàng nghìn người dân Thái Lan tham gia biểu tình.

Hoàng đế La Mã Caligula nổi tiếng vì lối sống xa hoa, sự bạo ngược và tính cách nóng nảy gần như điên loạn. Trước khi bị ám sát, ông đã dự định phong cho con ngựa yêu thích nhất của mình chức vụ quan chấp chính. Đây có thể chỉ là một truyền thuyết.

Nhà vua Thái Lan Maha Vajiralongkorn, người đăng quang năm 2019, cũng có những hành động tương đối kỳ lạ. Năm 2009, khi còn là hoàng thái tử Thái Lan, ông đã phong cho chú chó cưng Foo Foo của mình hàm Đại tướng không quân. Khi “Đại tướng” Foo Foo qua đời năm 2015, chú chó đã được hỏa táng sau một tang lễ theo nghi thức Phật giáo kéo dài tới 4 ngày.

Hoàng gia Thái Lan với áp lực của người biểu tình ảnh 1

Nhà vua Thái Lan Maha Vajiralongkorn. Ảnh: Bloomberg.

Foo Foo lần đầu được công chúng biết đến qua một đoạn video ghi lại buổi tiệc sinh nhật hoành tráng của chú chó này. Trong video, chú chó ăn bánh kem trực tiếp từ trên tay người vợ thứ ba của Vajiralongkorn, Vương phi Srirasmi. Trong một buổi tiệc khác diễn ra năm 2009, chú chó được mặc lễ phục trang trọng và “nhảy lên trên bàn tiệc liếm láp ly tách của quan khách” - theo như lời kể của cựu đại sứ Hoa Kỳ Ralph Boyce có mặt lúc đó.

Trong các buổi lễ, tân vương mặc lễ phục quân đội màu trắng với những dải dây màu hoàng kim hoặc lễ phục cung đình Thái Lan cầu kỳ. Nhưng ngoài đời thường, phong cách thời trang của ông có những khi có thể nói là lập dị: giày thể thao mặc với quần jeans cạp tụt phối với những chiếc áo croptop ngắn cũn cỡn. Trên lưng và hai cánh tay của ông chi chít những hình xăm giả.

Khi còn trẻ, ông Vajiralongkorn cũng được biết tới như một người có lối sống phóng khoáng quá mức. Khi ông còn trẻ, các gia đình quý tộc Thái Lan thường cho con gái mình đi du học châu Âu để tránh không lọt phải mắt xanh của hoàng thái tử. Nhưng may mắn cho họ, gu phụ nữ của Vajiralongkorn khá lạ lẫm. Người vợ thứ hai của ông là một nữ diễn viên đóng phim mì ăn liền.

Hoàng gia Thái Lan với áp lực của người biểu tình ảnh 2

 Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha.

Còn cuộc hôn nhân thứ ba với cựu vương phi Srirasmi bí mật diễn ra năm 2001 nhưng chỉ được công bố vào năm 2005. Tuy nhiên, đến năm 2014, ông tước bỏ mọi tước vị hoàng gia của vợ mình với cáo buộc người thân của bà mắc tội tham nhũng. Cha mẹ của vương phi đã bị bắt bỏ tù trong hai năm sau đó vì tội khi quân.

Năm năm sau, vào ngày 1/5 năm ngoái, chỉ ba ngày trước khi đăng quang, Vajiralongkorn kết hôn lần thứ tư với Suthida Tidjai, một cựu tiếp viên hàng không, và phong cho bà làm Vương hậu. Người dân Thái Lan vô cùng ngỡ ngàng khi chỉ hai tháng sau đó, tân vương phong cho tình nhân của mình, Thiếu tướng Sineenat Wongvajira-pakdi, lên ngôi vị Hoàng quý phi; đây cũng là lần đầu tiên trong hơn 100 năm qua Thái Lan có một Hoàng quý phi. Nhưng sóng gió cũng nổi lên ngay sau đó. Ngày 21/10, Hoàng quý phi Sineenat bị tước bỏ mọi tước hiệu và biến mất trước công chúng. Bà được cho là đã mắc tội thất lễ với Hoàng hậu.

Hoàng gia Thái Lan với áp lực của người biểu tình ảnh 3

Nhiều cảnh sát được huy động để bảo vệ an ninh.

Lối sống của tân vương Thái Lan cũng gây tranh cãi không kém đời tư của ông. Kể từ sau chiến tranh, hoàng gia Thái Lan đã nhân khối tài sản của mình từ 40 đến 60 tỷ USD. Hầu hết số tài sản này nằm dưới dạng bất động sản ở trong nước và cổ phần trong các tập đoàn lớn ở ngoài nước. Trong nhiều năm, khi chưa lên ngôi, ông Vajiralongkorn dành phần lớn thời gian sống tại khách sạn Kempinski Munich ở Đức cùng một dàn mỹ nữ và người phục dịch. Ông cũng sở hữu một dinh thự bên hồ Starnberg ở ngoại ô Munich. Dù Hoàng thái tử được cấp một khoản sinh hoạt phí khổng lồ mỗi tháng đủ để ông sở hữu đến hai chiếc máy bay Boeing 737, có những lúc ông được cho là đã lâm vào cảnh thiếu thốn.   

Một câu hỏi đang được đặt ra là lối sống ngang tàng của tân vương Vajiralongkorn sẽ tác động thế nào đến vận mệnh của hoàng gia Thái Lan? Nhìn ra châu Âu, hầu như mọi hoàng gia để không ít thì nhiều đã trải qua các vụ bê bối tài chính hoặc tình dục. Cựu vương Tây Ban Nha Juan Carlos đã thoái vị và lưu đày biệt xứ vì bê bối tài chính, nhưng hoàng gia Tây Ban Nha vẫn đứng vững. Tương tự đối với hoàng gia Bỉ sau khi cựu vương Albert II thừa nhận có con ngoài giá thú. Tuy nhiên, điều khác biệt ở đây là không giống như Thái Lan, các nền quân chủ ở châu Âu đều là quân chủ lập hiến.

Tại Thái Lan, nền quân chủ không tách rời khỏi cấu trúc quyền lực thực tế của quốc gia này. Đây là di sản 70 năm của tiên vương Bhumibol Adulyadej. Nhà vua Bhumibol đăng cơ sau khi người anh 20 tuổi của ông, vua Ananda Mahidol, bị ám sát. Trong thập kỷ đầu tiên trị vì, vua Bhumibol hoàn toàn không có thực quyền và sống trong vòng kiềm tỏa của Nguyên soái Phibunsongkhram, người đã đưa Thái Lan theo phe Trục trong Chiến tranh Thế giới II.

Hoàng gia Thái Lan với áp lực của người biểu tình ảnh 4

Nhưng khi Thái Lan tiến tới xây dựng nền dân chủ, vua Bhumibol dần được lòng người dân nhờ ảnh hưởng tích cực và những hoạt động xã hội có ý nghĩa như xây bệnh viện cho người nghèo. Cùng với đó, quyền lực chính trị của ông cũng trở nên lớn hơn. Năm 1952, nhà vua khảng khái từ chối chủ trì các buổi lễ đánh dấu hiến pháp quân sự mới do chính quyền Phibunsongkhram đặt ra.

Tuy nhiên, thời cơ của vua Bhumibol chỉ thực sự đến vào năm 1981, khi ông đối đầu với một cuộc đảo chính bằng cách chạy khỏi Bangkok và phất cờ hoàng gia kêu gọi nổi dậy tại một căn cứ không quân ở Khorat với sự phò tá của Tướng Prem. Tiếp sau đó là một kỷ nguyên “Quân chủ Mạng lưới” - một liên minh của các lợi ích quân sự và lợi ích của giới tài phiệt. Ở vị trí trung tâm của mạng lưới này là hoàng gia Thái Lan.

Năm 2001, một nhà tài phiệt có tên Thaksin Shinawatra, người sau này sở hữu câu lạc bộ bóng đá Manchester City, nổi lên như một thế lực mới trên chính trường Thái Lan. Đảng Người Thái Yêu người Thái của ông đi theo đường lối dân túy với những lời hứa hẹn cải cách y tế và giáo dục. Trái với mong muốn của hoàng gia Thái Lan, nhân vật này lại giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử năm 2005. Vua Bhumibol đã dành sự ủng hộ cho những người cầm đầu một cuộc đảo chính lật đổ Thủ tướng Thaksin.

Cho tới khi băng hà năm 2016, Vua Bhumibol được cho là đã nhiều lần ủng hộ các cuộc đảo chính quân sự hoặc pháp lý. Tuy nhiên, uy tín của tiên vương đủ lớn để đóng vai trò một sự đảm bảo cho vị thế của hoàng gia Thái Lan trước những động thái gây tranh cãi này. Nhưng sau khi ông qua đời, quyền lực hoàng gia đã rơi vào tay một hoàng thái tử chưa mấy già dặn trong các hoạt động chính trị.

Liệu tân vương Vajiralongkorn có thể xóa đi những định kiến về tuổi trẻ phóng khoáng của ông và chứng minh được mình là người thừa kế ngai vàng xứng đáng hay không? Chưa có dấu hiệu tích cực nào cho thấy điều này. Hơn thế nữa, nhà vua mới còn cho thấy ông muốn nhúng tay sâu hơn nữa vào chính sự thông qua việc can thiệp vào việc soạn thảo hiến pháp năm 2017 và tự tăng thêm quyền lực cho bản thân trong việc chỉ định hội đồng nhiếp chính.

Bên cạnh đó, hiến pháp mới cũng trao cho nhà vua quyền lực giải quyết các cuộc khủng hoảng hiến pháp trong tương lai. Trong bối cảnh Thái Lan đã trải qua 17 cuộc đảo chính quân sự từ năm 1932 cho đến nay, không ai có thể xem thường quyền lực này. Hai trung đoàn tinh nhuệ được đã được đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của nhà vua. Theo như nhận định của Giáo sư chính trị Pavin Chachavalpongpun thuộc Đại học Kyoto, nhà vua “gần như là đang điều hành đất nước, nhưng không phải bằng thẩm quyền đạo đức như cách mà phụ hoàng của ông đã làm. Thay vào đó, ông dùng quyền lực để củng cố vị trí của mình”.

Bởi vậy, trong tháng qua, phong trào biểu tình với sự tham gia của khoảng 10.000 người đòi khống chế quyền lực nhà vua là một diễn biến hết sức đáng quan tâm. Những người biểu tình dám đứng ra thách thức luật chống khi quân phạm thượng với mức án nặng nề lên tới 15 năm tù giam để đứng dậy và hô khẩu hiệu “Đả đảo phong kiến”. Phong trào biểu tình này sẽ tác động thế nào đến sự ổn định chính trị và vận mệnh của hoàng gia Thái Lan là điều mà chỉ thời gian mới có thể cho thấy. Tuy nhiên, điều có thể nhận thấy là nỗ lực của tân vương Thái Lan nhằm biến một hoàng gia với ảnh hưởng trong khuôn khổ một nền “Quân chủ Mạng lưới” sang một hoàng gia nắm thực quyền là một nước đi đầy mạo hiểm với vương triều mà tổ phụ của ông đã dày công gây dựng. 

Hàng nghìn người biểu tình tiếp tục tuần hành ở thủ đô Bangkok, Thái Lan, hôm 20/9, nói rằng họ sẽ gửi thư tới nhà vua để trình bày các yêu cầu của mình. Những người biểu tình cho biết họ muốn phế truất cựu lãnh đạo quân đội, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha. Đa số những người biểu tình là những thanh niên mặc áo đen tượng trưng cho phong trào dân chủ, giơ ba ngón tay lên cao và hát quốc ca.

Họ yêu cầu ban hành hiến pháp mới và cải cách để hạn chế quyền lực của hoàng gia. Cụ thể, người biểu tình yêu cầu bãi bỏ luật phỉ báng, quy định nhằm ngăn hoàng gia bị chỉ trích. Đây được xem là một trong các điều luật khắc nghiệt nhất thế giới, có thể khiến người vi phạm phải ngồi tù tới 15 năm với mỗi tội danh.

Chiều 19/9, nhiều người khởi hành từ khu vực gần Đại học Thammasat đến Sanam Luang, tức Cánh đồng Hoàng gia, ở Bangkok, bất chấp trời mưa. Cảnh sát Thái Lan đã được điều động để bảo vệ các khu vực này. Ngày 19/9 cũng đánh dấu 14 năm của cuộc đảo chính lật đổ chính quyền Thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?