Câu chuyện 1.213 học sinh AIS đứng trước nguy cơ phải nghỉ học do nhà trường không có kinh phí để chi trả lương khiến cho các giáo viên nghỉ dạy. Hàng ngàn học sinh đứng trước nguy cơ “thất học” ở những ngày cuối năm. Do đó, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã có công văn số 1653/SGDĐT-KHTC gửi đến UBND TP.HCM về việc đề xuất phương án hỗ trợ về tài chính đối với Trường Quốc tế Mỹ (AIS).
Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân - chuyên gia kinh tế phân tích, các trường tư thục hoạt động theo Luật Doanh nghiệp 2020 và Luật Giáo dục 2019. Do đó, khi các trường có “sức khỏe kém” về tài chính dẫn đến việc không đảm bảo chi phí trả lương cho giáo viên sẽ khiến học sinh chịu nhiều thiệt thòi như AIS là ví dụ điển hình.
Tuy nhiên, việc học của các em phải được xem là sự thỏa thuận về mặt dân sự giữa chủ thể là doanh nghiệp và khách hàng là phụ huynh. Vì vậy, phụ huynh đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về học phí thì học sinh phải được đảm bảo đầy đủ về quyền lợi học tập. Một trong các bên vi phạm hợp đồng đã cam kết thì bên bị thiệt hại sẽ được bồi thường toàn bộ thiệt hại.
Lỗ hổng từ cơ sở giáo dục thu học phí thông qua hình thức huy động vốn
Trở lại câu chuyện các trường tư thục hoạt động dưới hình thức huy động vốn theo kiểu “gói đầu tư học phí giáo dục”, một kẽ hở trong hoạt động của các trường là khi xảy ra vấn đề tranh chấp quyền lợi giữa tập thể người lao động và doanh nghiệp (nhà trường) thì học sinh phải gánh chịu hậu quả.
Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân lập luận, hậu quả nhãn tiền tại trường AIS đã hiện rõ, học sinh đang đối mặt với nguy cơ đình trệ việc học. Phụ huynh phải cầu cứu cơ quan chức năng và tự đưa ra các giải pháp để xin thay đổi phương thức học. Và hơn hết, vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành công văn số 1653/SGDĐT-KHTC gửi đến UBND TP.HCM về việc đề xuất phương án hỗ trợ về tài chính đối với trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Quốc tế Mỹ.
Tiến sĩ Nhân cho rằng, Sở Giáo dục kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các Sở ngành có liên quan nghiên cứu đề xuất phương án hỗ trợ tài chính ngắn hạn (tùy theo tình hình thực tế) có tài sản đảm bảo để chi trả lương cho giáo viên, nhân viên và chi phí cố định khác để đảm bảo duy trì hoạt động dạy và học của trường AIS đến hết năm học 2023 – 2024 (tháng 6 năm 2024) là chưa phù hợp.
Bởi lẽ, như đã phân tích, hoạt động của nhà trường được điều chỉnh theo luật doanh nghiệp. Do đó, việc can thiệp của cơ quan nhà nước vào tài chính của doanh nghiệp tư nhân (nhà trường) là hoàn toàn không phù hợp với các quy định của pháp luật.
Khi thành lập doanh nghiệp giáo dục, họ được nhà nước ưu đãi từ tiền thuê đất (nếu có), tiền thuế cho đến các khoản thu khác. Nếu dùng ngân sách nhà nước để tạm chi trả cho các hoạt động thường xuyên cho doanh nghiệp (nhà trường) thì trường hợp khi nhà nước cần thu hồi ngân sách sẽ phát sinh các quyền và nghĩa vụ liên quan. Hơn hết, cơ quan tham mưu và thực thi duyệt tạm chi ngân sách sẽ phải chịu trách nhiệm cao nhất cho các quyết định trên.
Trường Quốc tế Mỹ trong những ngày học sinh đang ở kỳ nghỉ Xuân. |
Ở đây, tôi không dám nói vẫn sẽ có rủi ro cho cơ quan chức năng khi sử dụng phương án hỗ trợ bằng ngân sách nhà nước cho doanh nghiệp. Xin nhấn mạnh, trường AIS tuy bán sản phẩm là kiến thức thông qua việc dạy học nhưng vẫn phải đảm bảo theo cơ chế hoạt động của một doanh nghiệp tư nhân.
Trường AIS có tài sản đảm bảo để được hỗ trợ tài chính trong ngắn hạn?
Theo nội dung công văn của Sở Giáo dục và Đào tạo gửi đến UBND TP.HCM thể hiện, trong quá trình hoạt động, trường AIS do Chủ tịch Hội đồng quản trị đại diện theo pháp luật của nhà trường đứng tên ký đã thực hiện ký kết các hợp đồng với cha mẹ học sinh. Bằng việc cha mẹ học sinh đóng/góp tiền cho nhà trường, quyền lợi mà người ký (cha, mẹ học sinh) nhận được là học sinh sẽ được học tập tại trường trong suốt thời gian nhiều năm học tập tại trường.
Số tiền cha mẹ học sinh đã đóng cho nhà trường được hoàn lại (không phải đóng học phí) hoặc không hoàn lại (học phí đã được đóng trước cho toàn bộ thời gian học) tùy theo hợp đồng giao kết với nhà trường.
Đến thời điểm hiện tại, chế độ lương của giáo viên trường AIS chưa được đảm bảo, trường chưa thanh toán lương cho giáo viên từ tháng 02/2024 cho đến nay. Vì vậy, việc duy trì hoạt động của nhà trường đang bị gián đoạn, ảnh hưởng đến quyền lợi học tập của 1.213 học sinh.
Sở Giáo dục và Đào tạo đã làm việc trực tiếp với Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trường nhà trường đề nghị báo cáo về tình hình tài chính và hoạt động của trường để tìm phương án giải quyết phù hợp để duy trì hoạt động của nhà trường, tuy nhiên chưa có sự hợp tác của đơn vị.
Đến ngày 18/03, đã xảy ra sự việc phần lớn giáo viên lãng công do không được trả lương trong thời gian dài, dẫn đến trường AIS cho toàn bộ học sinh nghỉ học.
Ngày 21/03, Sở Giáo dục đã tổ chức buổi làm việc tiếp công dân là cha mẹ học sinh của trường AIS liên quan đến các nội dung trên. Qua ý kiến đề xuất của đa số cha mẹ học sinh đề nghị thành phố hỗ trợ duy trì hoạt động giáo dục của trường đến hết năm học 2023 – 2024.
Để đảm bảo duy trì tình hình an ninh trật tự ổn định trên địa bàn TP.HCM và đảm bảo quyền lợi học tập cho học sinh trường AIS, Sở Giáo dục kính báo cáo kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các Sở ngành có liên quan nghiên cứu đề xuất phương án hỗ trợ tài chính ngắn hạn (tùy theo tình hình thực tế) có tài sản đảm bảo để chi trả lương cho giáo viên, nhân viên và chi phí cố định khác để đảm bảo duy trì hoạt động dạy và học của trường AIS đến hết năm học 2023 – 2024 (tháng 06/2024).