Trường Cao đẳng Dự bị Đại học Bhagat tại Haveri, thuộc bang Karnataka phía tây nam Ấn Độ, đã thực hiện một cuộc thử nghiệm biện pháp chống gian lận thi cử vào thứ Tư tuần trước, theo hiệu trưởng M.B. Sateesh.
Một nhân viên trong trường đã chụp ảnh các học sinh ngồi thành hai hàng gọn gàng, đầu họ bị che khuất bởi hộp carton.
Mặt trước của các hộp đã được khoét hai lỗ để học sinh có thể làm bài nhưng tầm nhìn xung quanh của họ bị hạn chế hoàn toàn.
Khi bức ảnh được làn truyền trên mạng Internet, đã xuất hiện làn sóng chỉ trích ngôi trường. Ngay cả các quan chức chính phủ cũng tỏ ra không bằng lòng với phương pháp này, ông S. Suresh Kumar - Bộ trưởng Giáo dục bang Karnataka cho rằng quy định này là "không thể chấp nhận được".
"Không ai có quyền đối xử với bất kỳ học sinh nào như động vật. Hành động khiếm nhã này sẽ bị xử lý thích đáng", ông Kumar cho biết.
Nhà trường đã cung cấp cho chính quyền một lời giải thích bằng văn bản về phiên tòa và một lời xin lỗi, Sateesh nói.
Tuy nhiên, hiệu trưởng Sateesh nhấn mạnh rằng việc thử nghiệm này hoàn toàn không bắt buộc, nhà trường đã thông báo trước cho phụ huynh - và chỉ những học sinh có sự chấp thuận của phụ huynh mới được tham gia. Trong số 72 học sinh làm bài kiểm tra giữa kỳ ngày hôm đó, chỉ có 56 người tham gia thử nghiệm dùng hộp carton, ông Sateesh nói.
"Học sinh cho biết cảm thấy thoải mái với cuộc thử nghiệm này", ông Sateesh nói. "Trường không quấy rối bất kỳ học sinh nào, đó là tùy chọn và một số em chấp thuận tham gia, một số thì không".
Các học sinh được phép chuẩn bị hộp carton ở nhà và nhiều em đã tháo chúng ra sau 15 đến 30 phút, ông Sateesh nói. Nhà trường yêu cầu tất cả học sinh bỏ hộp trong vòng một giờ khi kỳ thi diễn ra.
Vị hiệu trưởng cho biết phương pháp này nhằm chống lại vấn nạn gian lận thi cử đã diễn ra tràn lan kể từ năm ngoái.
Đã có một số vụ bê bối gian lận trên khắp Ấn Độ trong những năm gần đây. Vào năm 2015, đã xảy ra một vụ việc hy hữu khi rất đông phụ huynh ở bang Bihar trèo tường để vào phòng thi đưa "phao" cho con em mình.
Trong một nền kinh tế đang phát triển như Ấn Độ, giáo dục là chìa khóa để phần lớn dân số thoát khỏi vòng xoáy nghèo đói. Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa là nhiều học sinh và sinh viên phải gánh chịu nhiều áp lực thi cử nặng nề.
Chính những áp lực này đã khiến nhiều học sinh chọn cách gian lận để vượt qua các kỳ thi và dần mắc các chứng bệnh tâm thần. Hồi đầu năm nay, 19 học sinh ở bang Telangana miền nam Ấn Độ đã tự kết liễu đời mình sau khi công bố kết quả thi.