Tâm trạng u uất và lo lắng sau khi trở lại cuộc sống thường nhật của học sinh đã trở thành mối bận tâm của chính phủ Trung Quốc sau khi truyền thông nước này đưa tin về hàng loạt các vụ tự tử.
Tình trạng này cũng dẫn đến việc nhà trường và các cấp quản lý tập trung vào sức khỏe tâm lý của học sinh - một chủ đề thường xuyên bị né tránh trong xã hội Trung Quốc.
"Có không ít sự cố đau lòng khi các trường học mở cửa trở lại", ông Yan Wu, phó thị trưởng thành phố Châu Hải (Quảng Đông), cho biết tại cuộc họp quốc hội thường niên của Trung Quốc vào tháng trước.
Ông Yan nhấn mạnh tầm quan trọng và cấp bách của việc thúc đẩy sự phát triển của các chương trình chăm sóc tâm lý học đường.
Tại cuộc họp quốc hội, ít nhất 4 đại biểu đã đưa ra các đề xuất tập trung vào vấn đề tâm lý của học sinh, sinh viên.
Kể từ đầu năm nay, chỉ tính riêng quận Phố Đông ở Thượng Hải đã có tổng cộng 14 học sinh tiểu học và trung học tự tử, gấp nhiều lần số liệu của 3 năm gần nhất
Vào Chủ nhật tuần trước, một bài báo trên tờ Thời báo Sức khỏe đưa ra cảnh báo rằng trong 3 tháng qua đã có tổng cộng 18 học sinh đã nhảy lầu trên toàn quốc. Bài báo cũng dẫn lời các chuyên gia kêu gọi tập trung hơn vào vấn đề tâm lý cho học sinh, sinh viên.
Lớp học ''bình thường mới''
Khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phong tỏa trên toàn quốc, học sinh trên cả nước đã làm quen lại với cuộc sống trường lớp thường nhật.
Một cuộc khảo sát trực tuyến với 1,22 triệu học sinh tiểu học và trung học được thực hiện vào tháng 3 bởi ủy ban y tế tỉnh Quảng Đông và một trường đại học kết luận rằng 10,5% học sinh gặp vấn đề tâm lý khi đi học trở lại.
Vào cuối tháng 4, Bộ giáo dục Trung Quốc đã bắt đầu yêu cầu các trường chú ý đến sức khỏe tâm lý và điều chỉnh kế hoạch học tập để học sinh cảm thấy bớt áp lực.
Thành phố Vũ Hán, tỉnh Hải Nam và Thượng Hải đã tổ chức các lớp học giáo dục về cuộc sống "bình thường mới" nhằm giúp học sinh giải quyết được tâm trạng căng thẳng và đau buồn.
Trong lớp học này, học sinh được chia thành hai nhóm sử dụng các tập hợp chữ cái được cho để tạo ra các từ tiếng Anh, nhưng một nhóm sẽ được đưa ra một tập hợp các chữ cái khó hơn, nhằm giúp các em làm quen với tâm trạng căng thẳng.
"Mục đích là để làm cho học sinh nhận ra rằng cảm giác căng thẳng là điều tự nhiên, và cách các em đối phó với sự căng thẳng đó có thể dẫn đến kết quả khác nhau", theo lời giáo viên đứng lớp.
Một giáo viên trung học ở Thượng Hải cho biết việc học sinh đi học trở lại sau dịch bệnh khác rất nhiều so với việc các em trở lại sau kỳ nghỉ Tết.
"Tôi hy vọng dịch bệnh sẽ dạy cho trẻ em cách đối phó với những thay đổi trong cuộc sống. Cuộc sống này vốn đầy rẫy khó khăn", cô nói.