Ngày 14/4, Ủy ban Tài chính và Tiền tệ quốc tế (IMFC) cam kết thực hiện những bước đi mang tính tổng thể nhằm giảm các nguy cơ và tăng khả năng phục hồi của nền kinh tế trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng chững lại.
Phát biểu họp báo trong khuôn khổ Hội nghị mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) diễn ra ở Washington (Mỹ), Chủ tịch IMFC Lesetja Kganyago đề cập tới một loạt thách thức đối đe dọa nền kinh tế toàn cầu, trong đó có những căng thẳng thương mại, rủi ro địa chính trị và bất ổn chính trị.
Ông Kganyago, đồng thời là Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nam Phi, cho biết IMFC nhất trí rằng cần phải hành động ngay lập tức để duy trì đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.
Ông nêu rõ chính sách tài chính cần đảm bảo sự linh hoạt và hỗ trợ tăng trưởng, duy trì khả năng trả nợ và hỗ trợ nhu cầu, trong khi chính sách tiền tệ cần hỗ trợ để đạt được mức lạm phát mục tiêu đề ra.
IMFC - cơ quan hoạch định chính sách của IMF, cam kết tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt trong các vấn đề về mất cân bằng toàn cầu, căng thẳng thương mại, thuế doanh nghiệp quốc tế...
Về căng thẳng thương mại, IMFC cho biết ủy ban này nhận thấy sự cần thiết phải giải quyết các căng thẳng thương mại và hỗ trợ tiến trình cải cách của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) để tăng hiệu quả hoạt động.
IMFC cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của cải cách cơ cấu và tài chính, cho rằng những cải cách này là quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng và việc làm cũng như tăng cường khả năng phục hồi của nền kinh tế.
Trước thềm hội nghị mùa Xuân thường niên tại Washington (Mỹ) này, IMF đã giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2019 từ 3,5% xuống còn 3,3%.
Đây là lần thứ hai trong vòng 4 tháng, thể chế tài chính này giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu, cho rằng kinh tế thế giới đã mất động lực sau những cú sốc từ việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, căng thẳng thương mại gia tăng cũng như các điều kiện tài chính bị thắt chặt hơn.