Trước đó, chính quyền Washington cáo buộc Moscow điều quân ồ ạt áp sát biên giới Ukraine, giới cầm quyền Mỹ lo ngại về kịch bản tương tự như cách Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014. Các quan chức Nhà Trắng tuyên bố rằng phương Tây đã sẵn sàng với các biện pháp trừng phạt cứng rắn nếu Nga xâm lược nước láng giềng.
Điện Kremlin đã bác bỏ ý kiến cho rằng Nga sẽ đưa quân vào lãnh thổ Ukraine và cho biết việc điều động quân đội tới biên giới tây nam hoàn toàn là vì mục đích phòng thủ.
Đối với Moscow, việc Ukraine gia nhập NATO, cũng như sự hiện diện của hệ thống tên lửa nhắm vào Nga, là một "lằn ranh đỏ" mà các bên không được phép vượt qua.
Tổng thống Putin cũng đã yêu cầu phương Tây đảm bảo an ninh ràng buộc về mặt pháp lý rằng NATO sẽ không mở rộng thêm về phía đông hoặc đặt vũ khí gần lãnh thổ Nga, trong khi chính quyền Washington đã nhiều lần tuyên bố không quốc gia nào có thể phủ quyết các hy vọng của NATO.
Đầu tuần này, Nhà Trắng cảnh báo Mỹ sẽ gây "tổn hại nghiêm trọng về kinh tế" đối với Nga và tăng cường hiện diện quân sự ở Đông Âu nếu Moscow xâm lược Ukraine.
"Tôi không chấp nhận những lằn ranh đỏ của bất kỳ ai", Tổng thống Biden nói hôm thứ Sáu tuần trước.
Tổng thống Mỹ cũng sẽ nhanh chóng thông báo cho người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky về chi tiết hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ.
Một quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ tuyên bố trước báo giới rằng Tổng thống Biden sẽ cảnh báo Putin về những hậu quả kinh tế nghiêm trọng nếu Nga xâm lược Ukraine, đồng thời nhấn mạnh rằng Mỹ không muốn xảy ra kịch bản phải tham chiến tại châu Âu.
Andrey Kortunov, người đứng đầu Hội đồng Các vấn đề Quốc tế của Nga, cho biết mối quan hệ hiện tại giữa Biden và Putin sẽ khiến hai nhà lãnh đạo khó đi tới một thỏa hiệp.
"Điều duy nhất mà họ có thể đồng ý là tất cả mọi bên trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào tình huống đó phải thể hiện sự kiềm chế và cam kết giảm leo thang. Nếu không, tôi không biết Biden có thể làm thế nào hứa với Putin rằng NATO sẽ không đông tiến."
Một số nhà phân tích dự đoán rằng lãnh đạo Nga-Mỹ có thể đồng ý thiết lập các cuộc đàm phán giảm leo thang căng thẳng.
Trong khi các quan chức Mỹ nhiều lần nói rằng họ không biết ý định của phía Nga đối với Ukraine, những nguồn tin tình báo từ Washington dự đoán rằng Tổng thống Putin đang cân nhắc một cuộc tấn công quân sự vào đầu năm 2022 với sự tham gia của 175.000 binh sĩ, bao gồm các đơn vị thiết giáp và pháo binh.
Chính phủ Ukraine ước tính rằng Nga hiện có khoảng 100.000 quân gần biên giới nước này.
Giữ thể diện
Tuần trước, Mỹ đã đề nghị làm trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine về việc chấm dứt cuộc chiến kéo dài 7 năm giữa quân đội Ukraine và lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn trên cơ sở các thỏa thuận Minsk năm 2014 và 2015.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết về nguyên tắc Moscow không phản đối điều đó.
Tuy nhiên, Vladimir Frolov, một nhà phân tích chính sách đối ngoại và cựu quan chức ngoại giao Nga tại Mỹ, cho rằng việc lôi kéo Washington vào quá trình đó sẽ giống như một thất bại đối với Moscow. Ông Frolov cũng không nghĩ Tổng thống Putin sẽ dàn xếp cho một "lời hứa mơ hồ" về các cuộc đàm phán với chủ đề cấu trúc an ninh tương lai của châu Âu.
"Bằng cách đòi hỏi những đảm bảo ràng buộc về mặt pháp lý, Moscow đã thu hẹp không gian cho hoạt động ngoại giao của mình, điều này cho ta thấy rằng họ không thực sự đặt cược vào ngoại giao để thành công”, ông Frolov chỉ ra.
Tại Kyiv, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết các lực lượng vũ trang của Ukraine có khả năng chống lại bất kỳ cuộc tấn công nào từ Nga khi nước này đánh dấu ngày nhập ngũ vào thứ Hai bằng việc diễu hành xe bọc thép và tàu tuần tra của Mỹ.
Những người được phỏng vấn trên đường phố của thủ đô Ukraine đã kỳ vọng lẫn lộn vào cuộc đàm phán hôm thứ Ba.
"Chúng tôi tin rằng Biden là một người bạn lớn của đất nước chúng tôi. Cho đến nay, ông ấy đã chứng tỏ mình là một người chân thành muốn giúp Ukraine thoát khỏi tình cảnh vô nghĩa này", ông Volodymyr Pylypyuk, 71 tuổi, cho biết.
Nhưng Ruslan Lapuk, một người pha chế đồ uống 28 tuổi, lại cho rằng chỉ có người Ukraine mới giúp đất nước bứt phá: “Chúng tôi không có ai để trông cậy vào ngoài chính quân đội của mình."
Elena, một người hưu trí sống tại khu vực xung đột miền đông Ukraine, cho biết bà đang nuôi hy vọng các bên sẽ đạt được thỏa thuận ngừng pháo kích.
"Mọi thứ phải thay đổi, đó là những gì chúng tôi đang hy vọng", bà Elena nói. "Chúng tôi không còn sức để chịu đựng điều này nữa."