Đại diện của 190 quốc gia thành viên của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tham dự Hội nghị Thế giới về Chính sách văn hóa và Phát triển bền vững tại Mexico City,
Theo điều phối viên hội nghị Pablo Raphael, cuộc khủng hoảng dịch bệnh đã cho thấy rõ tầm quan trọng của văn hóa đối với sức khỏe cộng đồng. Theo đó, sách báo, âm nhạc và phim ảnh đã trở thành "liều thuốc tinh thần" hữu hiệu đối với nhiều người trong giai đoạn dịch COVID-19, khi những biện pháp phong tỏa chống dịch dẫn đến hạn chế về không gian cũng như giao tiếp xã hội, khiến nhiều người rơi vào trạng thái căng thẳng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Văn hóa Mexico Alejandra Frausto cho biết cuộc khủng hoảng y tế cũng cho thấy sự bất bình đẳng về công nghệ giữa các cộng đồng khác nhau. Một trong những mục tiêu của cuộc họp là tìm cách đảm bảo khả năng tiếp cận công nghệ của các nghệ sĩ để tác phẩm của họ có thể đến với công chúng thế giới một cách đồng đều.
Dự kiến tại hội nghị, UNESCO sẽ kêu gọi công nhận văn hóa là "hàng hóa công cộng toàn cầu" do mang lại lợi ích cho tất cả công dân trên thế giới. Ông Frausto cho biết, mục đích của lời kêu gọi này là để việc bảo tồn văn hóa tương thích với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Bên cạnh những chủ đề trên, vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các cộng đồng và việc khôi phục tài sản văn hóa cũng được Mexico và các nước Mỹ Latinh quan tâm, khi việc sở hữu hay đấu giá các cổ vật không được xác minh nguồn gốc còn là một vấn đề gây tranh cãi.