Nếu không có hành động khẩn cấp để đảo ngược tình trạng hiện nay, tốc độ tuyệt chủng ở các loài - vốn đã cao gấp hàng chục lần so với mức trung bình trong hàng chục triệu năm qua - sẽ chỉ gia tăng. Báo cáo trên được công bố bởi Ủy ban Liên chính phủ LHQ về đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái (IPBES).
Theo báo cáo trên, các hoạt động nông nghiệp của con người đã gây ảnh hưởng lớn nhất đối với các hệ sinh thái mà chính con người cũng phải dựa vào để tìm kiếm thức ăn, nước sạch. Sự biến mất của một số chủng loài và hệ sinh thái đe dọa nguy hiểm tới sự sống trên Trái đất.
Bản báo cáo trên dựa vào thông tin lấy từ hơn 15.000 báo cáo của Chính phủ các nước, sau đó kết hợp với thông tin từ các báo cáo khoa học độc lập, từ những người dân bản địa và các cộng đồng làm nông nghiệp. Đây là báo cáo đồ sộ nhất và chi tiết nhất về đa dạng sinh thái trên Trái đất tính từ năm 2005 đến nay.
Ong là một trong số những chủng loài đang đối diện với khả năng tuyệt chủng lớn nhất. (Nguồn: AP). |
Thứ ký điều hành của IPBES – bà Anne Larigauderie cho rằng, sự đa dạng sinh thái cần phải nhận được sự quan tâm hàng đầu của thế giới, bên cạnh vấn đề biến đổi khí hậu. “Giờ chúng ta không thể nói rằng chúng ta không biết về tình trạng này” - bà Anne nói - “Chúng ta chưa từng có một tuyên bố đoàn kết nào giữa Chính phủ các nước về cuộc khủng hoảng sự sống trên Trái đất mà chúng ta đang phải đối mặt”.
Theo IPBES, nếu không có những sự thay đổi lớn đối với hệ thống kinh tế, xã hội và chính trị để giải quyết cuộc khủng hoảng này, tình trạng tổn hại đa dạng sinh học sẽ còn tiếp diễn tới năm 2050 và xa hơn nữa. “Chúng ta đang làm xói mòn nền tảng của các nền kinh tế, sự sống, an ninh lương thực, sức khỏe và chất lượng cuộc sống trên toàn thế giới” - Chủ tịch IPBES Robert Watson, cảnh báo.
Khoảng 75% đất đai và 66% các khu vực đại dương “đã bị thay đổi rất lớn” bởi các hoạt động của con người, theo IPBES. Đất đai dành cho nông nghiệp hiện đang chiếm hơn 33% diện tích đất trên Trái đất và 75% các nguồn nước.
Các hoạt động nông nghiệp cũng được cho là nhân tố lớn nhất gây ra lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Chúng là tác nhân gây ra khoảng 25% tổng lượng khí thải trên toàn thế giới, chủ yếu từ việc sử dụng phân bón, đốt rừng làm đất nông nghiệp và chăn thả gia súc. Hoạt động nông nghiệp đe dọa tới các hệ sinh thái, và tình trạng này càng gia tăng trong bối cảnh dân số thế giới tiếp tục tăng - theo IPBES.
Nhiều động vật biến mất khi Trái đất nóng lên. Ảnh: Getty Images. |
Mối đe dọa tiếp theo đối với thiên nhiên chính là việc tận lực khai thác các loại thực vật và động vật, thông qua hoạt động đánh bắt, chặt phá rừng, săn bắn và đánh cá, biến đổi khí hậu, ô nhiễm… Báo cáo của IPBES chỉ ra rằng, số lượng các loài thực vật, động vật và côn trùng đặc trưng của bản địa đã giảm mạnh ở nhiều hệ sinh thái lớn, ít nhất là 20% kể từ năm 1900 đến nay, do các loài xâm lấn.
Báo cáo cũng chỉ ra mối liên hệ giữa sự tổn thất trong đa dạng sinh học với tình trạng biến đổi khí hậu. Ước tính có khoảng 5% tổng loài động, thực vật trên thế giới đối mặt với khả năng tuyệt chủng khi mà nhiệt độ trung bình thế giới tăng 2 độ C so với mức tiền công nghiệp. Thế giới có thể sẽ mất đi 16% tổng số loài nếu như nhiệt độ trung bình tăng ở mức 4,3 độ C.
Dù giới khoa học có thể tranh cãi về các con số và chi tiết mà báo cáo trên đưa ra, nhưng bản báo cáo đã mô tả chính xác rằng con người đã làm thay đổi ghê gớm các hệ sinh thái trên Trái đất.
Theo báo cáo, thế giới có thể đảo ngược được cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học này, nhưng làm vậy sẽ cần có các chính sách bảo vệ môi trường cực ky hữu hiệu, chuỗi sản xuất lương thực bền vững và các nguồn lực khác. Bên cạnh đó, không thể thiếu nỗ lực chung của Chính phủ các nước trên thế giới nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. IPBES cho hay họ sẽ tiếp tục hoàn thiện báo cáo của mình và sớm đưa ra một bản báo cáo đầy đủ, chi tiết hơn vào khoảng thời gian cuối năm nay. Tuy nhiên, chỉ riêng bản báo cáo mà ủy ban này đưa ra mới đây đã là một lời cảnh báo đáng sợ về sự sống đang biến mất dần trên hành tinh của chúng ta.